Chương 1. CÚM GIA CẦM VÀ VACCINE PHÒNG BỆNH
GIỚI THIỆU
Kể từ lần đầu tiên được ghi nhận trên gia cầm vào năm 1878 ở Ý, dịch bệnh cúm gia cầm do virus cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều biến thể virus gây bệnh trên nhiều ký chủ khác nhau, kể cả người, gây thiệt hại rất lớn về mặt kinh tế ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Sử dụng vaccine để phòng bệnh do virus cúm gây ra được coi là biện pháp có tính chiến lược, nhằm ngăn chặn lây lan, tạo bảo hộ miễn dịch, đặc biệt với ở nước châu Á với mô hình chăn nuôi không tập trung, trong đó có Việt Nam. Các vaccine phòng bệnh hiện nay dựa trên cơ sở hai loại chính là vaccine truyền thống (gồm vaccine vô hoạt đồng chủng và dị chủng) và vaccine thế hệ mới (gồm vaccine tiểu đơn vị, vaccine có vector dẫn truyền, vaccine DNA, vaccine mRNA, vaccine nhược độc được sản xuất bằng kỹ thuật di truyền ngược,…). Trong đó, vaccine thế hệ mới được sản xuất từ thực vật được xem là một hướng tiềm năng với nhiều ưu điểm vượt trội như dễ dàng tăng quy mô sản xuất, an toàn, chi phí sản xuất thấp hay dễ dàng đáp ứng kịp thời khi có đại dịch bùng phát. Nội dung Chương 1 sẽ cung cấp cho độc giả một số thông tin tổng quan về bệnh cúm gia cầm do virus cúm A, các kiến thức đại cương liên quan đến virus cúm và giới thiệu một số loại vaccine phòng bệnh cúm gia cầm.