Chương 6. DỊCH CHIẾT THÔ THỰC VẬT CHỨA HA OLIGOMER DUNG HỢP TP CÓ KHẢ NĂNG BẢO HỘ CAO TRÊN GÀ
GIỚI THIỆU
Trong các chương trước, nhóm tác giả đã chứng minh được rằng khả năng tạo miễn dịch của hemagglutinin cúm phụ thuộc vào bản chất oligomer của chúng. Hemagglutinin ở trạng thái có trọng lượng phân tử cao (các oligomer) thì có khả năng kích thích đáp ứng kháng thể mạnh hơn so với trimer và monomer. Ngoài ra, mức độ oligomer hóa của hemagglutinin cúm phụ thuộc vào nguồn tế bào (Wei et al., 2008), hoặc vào các đoạn hemagglutinin được biểu hiện (Khurana et al., 2011). Hiện nay, chưa có báo cáo cụ thể nào về việc sản xuất và phương pháp sản xuất vaccine tiểu đơn vị dạng oligomer. Trong các chương trước, chúng tôi đã chỉ ra các phương pháp chung để sản xuất kháng nguyên dạng oligomer cả in vivo và in vitro (Phan et al., 2018).
Ngoài ra, trong Chương 5, chúng tôi đã chứng minh được rằng dung hợp HA với toàn bộ vùng Fc của IgM đã giúp tăng cường đáp ứng miễn dịch, thể hiện ở khả năng bảo hộ gà trong thí nghiệm công cường độc với virus cúm A/duck/TG/NAVET(3)/2013 clade 1.1 là
80 %. Với mục đích tăng cường khả năng bảo hộ gà với chủng virus cúm A/H5N1 độc lực cao, chúng tôi đã không ngừng cải tiến các chiến lược tạo HA oligomer hóa. Ở Chương 6, chúng tôi trình bày một phương pháp sử dụng dịch chiết thô thực vật chứa hemagglutinin dạng oligomer để tạo đáp ứng miễn dịch, bảo hộ gà khỏi virus cúm A/H5N1 độc lực cao bằng cách duy trì cấu trúc trimer của hemagglutinin kết hợp với quá trình oligomer hóa thông qua các cầu nối. Chúng tôi giả thuyết rằng các H5 trimer ổn định có thể được liên kết thông qua các cầu nối được đưa vào sau cấu trúc trimer GCN4pII để tạo thành các H5 oligomer, mô tả trong Hình 6.1. Các cầu nối là liên kết disulfua được hình thành bởi các gốc cysteine trong trình tự đoạn đuôi (tail piece, TP) từ trình tự đầu C của IgM (Müller et al., 2013), các peptit đồng kháng song song (homoantiparallel peptide, HAP) (Kahsai et al., 2005; Lu et al., 2012; Hwang et al., 2014) và các protein đồng dạng dimer (homodimer protein, HDP) (Meir et al., 2012; Avraham et al., 2015; Phan et al., 2016).