Phần IV. ĐỊA MẠO MÔI TRƯỜNG VÀ SỬ DỤNG LÃNH THỔ
Địa mạo môi trường là một khái niệm mới mẻ, cả về mặt từ ngữ và cả về nội dung. Theo [240] địa mạo môi trường là ứng dụng thực tiễn khoa học địa mạo để giải quyết các vấn đề mà con người mong muốn sử dụng hoặc cải tạo các quá trình trên mặt Trái đất. Có 4 nội dung liên quan đến chủ đề này, đó là: - Nghiên cứu các quá trình địa mạo tác động đến con người, bao gồm các hiện tượng tai biến như lũ lụt, trượt lở đất; - Phân tích, đánh giá các vấn đề trong các quy hoạch, dự án có thể làm xáo trộn hoặc làm suy thoái hoàn toàn các hệ sinh thái đất-nước; - Vấn đề con người sử dụng các nhân tố hay các sản phẩm địa mạo như là các tài nguyên, như nước, cát sỏi,...; - Ứng dụng khoa học địa mạo trong quy hoạch và quản lý môi trường.
Một cách ngắn gọn có thể hiểu địa mạo môi trường là một lãnh vực của khoa học Trái đất nghiên cứu mối liên hệ giữa con người và môi trường, trong đó môi trường được xem xét từ quan điểm địa mạo.
Nội dung địa mạo ở đây gồm hai vấn đề là tài nguyên địa mạo và tai biến địa mạo. Tài nguyên địa mạo được hiểu là các nguyên liệu (thành tạo liên quan với các quá trình địa mạo) và địa hình (Chương 9&10).
Tai biến địa mạo là khả năng mà bất kỳ một hiện tượng không ổn định địa mạo nào đó với một cường độ nhất định có thể xảy ra tại một địa điểm bất kỳ trong một khoảng thời gian xác định. Tai biến địa mạo liên quan với các vùng nhạy cảm (khu dân cư, công trình xây dựng...), nơi môi trường địa mạo được xem là nhân tố chủ động trong mối quan hệ với con người (ở vị trí thụ động) [240].
Trong Phần IV này chúng tôi sẽ trình bày hạn chế ở một số nội dung cơ bản: tai biến địa mạo trong chủ đề về địa mạo môi trường, và phân vùng địa mạo trong chủ đề về sử dụng lãnh thổ.