Phần II. ĐỊA MẠO BIỂN ĐÔNG
Biển Đông trong đó vùng biển Việt Nam chiếm gần 30% về diện tích, những năm gần đây đã được quan tâm nghiên cứu trong nhiều Chương trình, Đề tài và Dự án cấp Nhà nước và cấp Bộ về điều tra cơ bản, lập bản đồ về các điều kiện tự nhiên và tài nguyên, cũng như trong các nghiên cứu phục vụ xây dựng công trình, phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, so với phần đất liền đã có lịch sử nghiên cứu địa chất-địa mạo hàng trăm năm thì vùng biển Việt Nam chỉ mới được nghiên cứu sơ lược về mặt địa mạo, thường ở tỷ lệ bản đồ khái quát và tập trung ở một số vùng nhất định, trong đó phải kể đến tờ bản đồ địa mạo vùng biển Việt Nam và kế cận tỷ lệ 1/1.000.000 mà chúng tôi là đồng tác giả (đã in trong [183]) và tờ bản đồ địa mạo Việt Nam và kế cận tỷ lệ 1/2.500.000 (vẽ chung cả phần lục địa và phần biển) trong Atlas điện tử mà chúng tôi là tác giả (2005) [33].
Trong phần II này - Địa mạo Biển Đông sẽ được giới thiệu sơ bộ qua 4 chương, về: Khái quát về Biển Đông và phân loại địa hình đáy biển; Địa hình bờ biển, đầm phá, cửa sông và vũng vịnh vùng biển Việt Nam; Địa hình đảo và quần đảo vùng biển Việt Nam; và Địa hình đáy Biển Đông. Hy vọng với việc đẩy mạnh nghiên cứu và khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường biển trong chiến lược tiến ra biển của đất nước, nhận thức về địa mạo Biển Đông nói chung và vùng biển Việt Nam nói riêng ngày càng đầy đủ và toàn diện hơn trong tương lai gần; và từ đó các nội dung giới thiệu về địa mạo Biển Đông cũng sẽ được phong phú và chi tiết hơn.