Phần III. TÀI NGUYÊN ĐỊA MẠO VIỆT NAM
Tài nguyên địa mạo là một khái niệm khá mới mẻ, theo [240] tài nguyên địa mạo gồm hai dạng cơ bản là các nguyên liệu (thành tạo do các quá trình địa mạo) và địa hình, có ích cho con người, hoặc có thể có ích, phụ thuộc vào các hoàn cảnh kinh tế, xã hội hay công nghệ.
Tài nguyên địa mạo Việt Nam trong thập kỷ vừa qua đã được nghiên cứu bước đầu từ nhiều góc độ khác nhau - địa lý, địa chất, môi trường, du lịch, bảo tồn,... Cũng như các dạng tài nguyên thiên nhiên khác, tài nguyên địa mạo được chúng tôi hiểu là những giá trị mà địa hình cùng các quá trình địa mạo mang lại cho con người để có thể khai thác, sử dụng trong sản xuất và đời sống, nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của họ. Việc làm thỏa mãn các nhu cầu đó có thể là trực tiếp, hoặc cũng có thể là gián tiếp. Giá trị địa hình phục vụ trực tiếp cho nhu cầu con người có thể là: phục vụ thưởng ngoạn (các thắng cảnh, kỳ quan); phục vụ các nhu cầu về văn hóa, tâm linh; phục vụ thể thao-du lịch; phục vụ an ninh quốc phòng; hoặc phục vụ trực tiếp các ngành kinh tế như giao thông, thủy lợi, thủy điện, nông lâm ngư,... Địa hình còn có giá trị phục vụ gián tiếp cho nhiều nhu cầu khác nhau của con người, thường là thông qua kinh nghiệm sống và đấu tranh với thiên nhiên mà có, như các nhu cầu có liên quan đến “phong thủy”, đến việc tìm kiếm khoáng sản có ích, nước ngọt, xây dựng công trình, phòng chống thiên tai,... Các quá trình địa mạo có thể trực tiếp tạo ra các tài nguyên như sa khoáng, quặng vỏ phong hóa, các vật liệu xây dựng. Trong Phần III này, do là một đối tượng nghiên cứu mới mẻ nên chúng tôi sẽ tập trung trình bày khái quát một số nội dung hạn chế sau đây: *) Các di sản địa mạo, có thể coi là dạng tài nguyên quan trọng nhất trong hệ thống tài nguyên địa mạo, trong đó đề cập đến các di sản liên quan với những quá trình nội, ngoại sinh đặc thù, gắn với đặc điểm thạch học tạo nên nền rắn của bề mặt lãnh thổ; cũng như liên quan đến sự hình thành và phân hóa cảnh quan của khu vực nói chung, là kết quả tổng hợp của các quá trình địa mạo, trong đó có các cảnh quan núi, đồng bằng, đới bờ và vùng biển nói riêng.