PHẦN THỨ NĂM. PHÂN TÍCH TÍNH CHẤT NHIỆT VÀ CƠ LÝ
Khi các yếu tố khác nhau (ánh sáng, tia X, điện tử…) tác động lên vật liệu thì sẽ xuất hiện các tín hiệu phản hồi khác nhau. Các phương pháp phân tích hoạt động dựa trên sự biến đổi các tín hiệu phản hồi và đo lường các tín hiệu phản hồi đó.
Sự thay đổi trạng thái vật lý của vật chất (quá trình nóng chảy, kết tinh, hoá hơi, thăng hoa, ngưng tụ…) thường kèm theo hiệu ứng nhiệt (tỏa nhiệt hay thu nhiệt). Ngoài ra, tùy vào bản chất hoá học của vật liệu, các phản ứng hoá học (kèm theo sự biến đổi thành phần và cấu trúc hoá học) có thể xảy ra. Bằng cách đo lường lượng nhiệt trao đổi giữa vật liệu khảo sát và môi trường, người ta sẽ thu nhận được các thông tin về các tính chất hoá lý, tính chất nhiệt động của vật liệu. Bên cạnh tính chất nhiệt, tính chất cơ lý là một trong những tính chất quan trọng của vật liệu cần được quan tâm nghiên cứu trước khi đưa vào sử dụng nhằm đưa ra các thông tin về sức bền của vật liệu ở các điều kiện khác nhau.
Trong phần này, các phương pháp phân tích nhiệt và đánh giá cơ lý vật liệu sẽ được trình bày tương ứng trong các Chương 19 và Chương 20.