Phần 2. ỨNG DỤNG MÀNG SINH HỌC TRONG XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG VÀ XỬ LÝ Ô NHIỄM DẦU
MSH là một cấu trúc bao gồm các vi sinh vật được gắn cùng với
các chất nền do chính chúng tạo ra trên một bề mặt vật thể lỏng hoặc
rắn. Các chất nền này thường bao gồm các polysaccharide, protein và
DNA (Barken et al., 2008; Khusnuryani et al., 2014). Sự hình thành cấu
trúc MSH do các tế bào vi sinh vật và EPS sẽ cung cấp môi trường tối
ưu cho sự trao đổi vật chất di truyền giữa các tế bào. Trong cấu trúc của
MSH, các DNA ngoại bào (plasmid) có thể dễ dàng chuyển đổi. Sự tiếp
hợp của các plasmid diễn ra với tốc độ lớn hơn giữa các tế bào trong
MSH so với giữa các tế bào tự do (planktonic cell). Ghigo (2001) cho
rằng, các chủng vi sinh vật gây bệnh chứa các plasmid tiếp hợp phát
triển tạo MSH nhanh hơn các chủng khác. Ông chứng minh rằng các sợi
lông pili tiếp hợp F (được mã hóa bởi các operon khác nhau của plasmid
F) hoạt động như một nhân tố gắn kết giữa các bề mặt tế bào với bề mặt
giá thể và sự tương tác giữa các tế bào với nhau, từ đó tạo ra cấu trúc
MSH 3 chiều (3D) ở E. coli.