Dựa trên ý tưởng Trái đất bắt đầu từ khí hoặc chất lỏng và được phân dị khi nguội lạnh thành ba chất lỏng không hòa trộn - kim loại, sulfid và silicat - Goldschmidt (1923) xác định các nguyên tố lithophil là các nguyên tố được tách ra thành các silicat. Ông đã rút ra kết luận từ thành phần khoáng vật và hóa học các thiên thạch, từ luyện kim và thử nghiệm cùng các dữ liệu địa hóa hiện có. Goldschmidt được coi các nguyên tố sau đây thuộc nhóm lithophil: (H), Li, Be, B, (C dưới dạng CO2), O, F, Na, Mg, AI, Si, (P), (S), Cl, K, Ca, Sc, Ti, V, Cr, Mn, (Fe), Br, Rb, Sr, Y, Zr, Nb, Sn, I, Cs, Ba, đất hiếm [La - Lu], Hf, Ta, W, Th và U, trong đó các dấu ngoặc tròn biểu thị các nguyên tố chỉ thể hiện sự phân tách vừa phải vào các dung thể silicat; ngày nay, chúng thường không được coi là lithophil. Goldschmidt (1924) cũng nhận ra rằng sự phân tách các nguyên tố giữa các khoáng vật và chất lỏng phụ thuộc vào nhiệt độ và áp suất, do đó bất kỳ nguyên tố nào đã cho có thể thuộc về các nhóm địa hóa khác nhau (ví dụ: lithophil, chalcophil, siderophil).
Phân loại các nguyên tố của ông chỉ có những thay đổi nhỏ (Goldschmidt, 1954; Mason và Moore, 1982). Các tác giả sau này cũng đã chỉ ra rằng một nguyên tố là lithophil nếu nhiệt thành tạo oxid của nó lớn hơn FeO. Một cuộc thảo luận sau đó về hành vi của các nguyên tố trong quá trình phân dị Trái đất có thể được tìm thấy trong McDonough và Sun (1995). Họ đã phân loại lại W là siderophil, Sn là chalcophil và cũng đã thêm Zn vào danh sách này.
Hiện nay, thuật ngữ các nguyên tố lithophil đôi khi được sử dụng để chỉ các nguyên tố được tách ra dễ dàng vào dung thể trong quá trình nóng chảy từng phần trong manti trên của Trái đất và do đó được làm giàu trong vỏ. Mặc dù điều này sẽ loại trừ chỉ một vài nguyên tố khỏi danh sách trên (ví dụ Mg, Cr), song người ta cho rằng định nghĩa ban đầu của Goldschmidt (1923) được giữ lại và các thuật ngữ cụ thể hơn được sử dụng cho các nguyên tố được làm giàu trong vỏ, chẳng hạn như các nguyên tố không tương thích hay các nguyên tố lithophil ion lớn (LLI).