CHƯƠNG I. CÁC NGUYÊN TỐ ATMOPHIL
Các nguyên tố atmophil là nhóm các nguyên tố hóa học cực kỳ dễ bay hơi, các hợp chất khí của chúng được tạo thành trong các quá trình địa hóa được tích luỹ nhiều trong trong khí quyển và thủy quyển của Trái đất (xem “Phân loại địa hóa các nguyên tố của Goldshmidt”). Các nguyên tố atmophil bao gồm H, B, C, N, Cl, Br, I và các khí trơ (He, Ne, Ar, Kr, Xe), chính các nguyên tố này là các khí ở trạng thái tự do (N2, He,), hoặc tạo thành các hợp chất khí bền trong môi trường địa chất (CO2, H2O và các hợp chất khác). Độ bền của các hợp chất khí tạo ra độ linh động lớn của chúng trong các quá trình địa chất, sự phân tán và tập trung của chúng trên bề mặt Trái đất trong quá trình khử khí (chủ yếu là nước) có tầm quan trọng đặc biệt, đó là phương tiện vận chuyển chủ đạo một khối lượng lớn các nguyên tố bên trong vỏ Trái đất; chúng cũng có vai trò quan trọng trong các quá trình sinh hóa. Trong một số cách phân loại khác, oxy (tạo thành 47 % thạch quyển), chlor, brom, iod được xếp vào các nguyên tố lithophil, còn carbon được xếp vào các nguyên tố siderophil.