CHƯƠNG 4. ĐẶC ĐIỂM PHÂN BỐ CỦA CÁC LOÀI ONG CỰ PHÂN HỌ PIMPLINAE Ở VIỆT NAM
Có một số quan điểm khác nhau về việc phân chia các vùng địa lý sinh vật của Việt Nam. Trong tài liệu này, tác giả đã sử dụng theo quan điểm của Averyanov et al. (2003) và Sterling et al. (2006) để chia lãnh thổ Việt Nam (phần trên đất liền) thành 5 vùng địa lý chính: Đông Bắc, Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ & Tây Nguyên và Nam Bộ. Ở phía Bắc, Sông Hồng được coi là ranh giới phân tách vùng Đông Bắc với vùng Tây Bắc. Trong khi đó Sông Cả ở Nghệ An được sử dụng để phân chia vùng Tây Bắc với Bắc Trung Bộ. Nam Trung Bộ & Tây Nguyên trải dài từ cao nguyên Kon Tum vào tới cao nguyên Di Linh của tỉnh Lâm Đồng và phần còn lại của phía Nam thuộc khu vực Nam Bộ.
Với sự phân chia như vậy, các loài ong cự phân họ Pimplinae ghi nhận nhiều nhất ở khu vực Tây Bắc với 79 loài, tiếp đó là khu vực Nam Trung Bộ & Tây Nguyên gồm 65 loài, khu vực Đông Bắc gồm 62 loài, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ lần lượt gồm 50 và 37 loài.