Địa hoá các nguyên tố
Nguyễn Văn Phổ
Địa hóa học là một khoa học tổng hợp có nguồn gốc giao thoa giữa hóa học và địa chất. Đối tượng trực tiếp của địa hóa học là các nguyên tố hóa học và các đồng vị, do đó sự xuất hiện của nó trở nên khả thi khi trình độ nghiên cứu nguyên tử xâm nhập vào khoa học tự nhiên. Sự thống nhất của địa hóa học - khoáng vật học - thạch luận học thực sự phản ánh sự thống nhất tự nhiên của sự hình thành nguyên tử - khoáng vật - đá. Do đó, đối với bất kỳ nhà địa hóa thành công nào thì mỗi nguyên tố đều phải được cảm nhận, hiểu biết về các tính chất, xu thế hình thành các hợp chất nhất định, phân tán hay tập trung trong các quá trình địa chất khác nhau, các khoáng vật chính, các kiểu mỏ và sử dụng nó trong các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế. Lĩnh vực ứng dụng thực tế của các nguyên tố hóa học đang dần mở rộng.
Các nhà địa hóa đã xác định chính xác độ phổ biến của các nguyên tố (và đồng vị của chúng) trong các pha có thể tiếp cận của Trái Đất, trong vật chất từ Vũ trụ rơi vào Trái Đất (thiên thạch) và trong các mẫu Mặt Trăng được đưa đến Trái Đất. Phép ngoại suy dữ liệu địa hóa về quá khứ và từ quá khứ là cần thiết để thiết lập cơ sở dữ liệu khác nhau về nồng độ địa hóa tự nhiên trong các pha hợp phần của môi trường được nghiên cứu. Mức độ chính xác của các phân tích địa hóa đã được cải thiện rõ rệt trong suốt các năm đầu thế kỷ, đặc biệt là các phân tích các nguyên tố vết có liên quan. Đây là kết quả của sự công nhận tầm quan trọng của tính đại diện và sự cẩn thận của việc lấy mẫu, xử lý và lưu trữ mẫu đúng cách trong và sau khi thu thập và những tiến bộ công nghệ trong thiết bị đã đẩy ngưỡng phát hiện đến giới hạn thấp đáng kể.