Với xu hướng tiêu dùng hiện đại, công nghệ đang trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công và phát triển của các đơn vị xuất bản và phát hành sách. Trong khi quá trình chuyển đổi số đang diễn ra một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, những người làm sách truyền thống cũng bắt đầu ứng dụng công nghệ trong các khâu sản xuất, phân phối, truyền thông sách…
Nắm bắt xu hướng ngành sách, Hội Xuất bản Việt Nam luôn khuyến khích các thành viên tham gia chuyển đổi số, sản xuất sách nói, ebook, đẩy mạnh phát hành trực tuyến.
Nhu cầu mua và đọc sách thay đổi
Việc đi đến nhà sách xem và tìm hiểu các tựa sách mới vẫn là thói quen của nhiều độc giả. Tuy vậy, xu hướng mua sách của người dùng đã có sự thay đổi lớn trong nhiều năm qua, nhất là khi các sàn thương mại điện tử luôn có những chương trình giảm giá thu hút người dùng. Công tác truyền thông cho sách cũng được đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng công nghệ, mạng xã hội thay thế dần cho hình thức truyền thông cũ.
Sàn Book365 do Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Ảnh: Việt Hùng.
Nhu cầu về sách số đã có từ nhiều năm trước, được thúc đẩy trong thời gian đại dịch. Bà Đào Phương Thu, Trưởng phòng Truyền thông Nhã Nam, cho biết trong thời gian giãn cách, cả người làm sách lẫn độc giả bị buộc phải thích ứng với hình thức mua bán mới - trực tuyến. Để kích cầu độc giả, các công ty đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử cung cấp sản phẩm cho người mua với mức giá tốt.
Hiện tại, bán hàng trực tuyến vẫn là chiến lược của nhiều nhà xuất bản bởi số lượng người mua nhiều. Ngay tại Đường sách Nguyễn Văn Bình (Q1, TP.HCM), ông Lê Hoàng - Giám đốc Đường sách TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết nhiều gian hàng ở đây vẫn kết hợp cả hai kênh bán trực tiếp và trực tuyến nhằm đảm bảo được doanh thu.
Bên cạnh xuất bản sách truyền thống, xuất bản điện tử ngày càng phát triển mạnh cùng sự phát triển của công nghệ điện tử, kỹ thuật số, các thiết bị thông minh như máy tính bảng, máy đọc sách điện tử (kindle)... Nhu cầu đọc sách trên các thiết bị này đã thúc đẩy nhiều phương thức xuất bản và phát hành mới như phát hành điện tử, sách nói, sách tương tác…
Theo số liệu từ Cục Xuất bản, in và phát hành, xuất bản điện tử đang cho thấy sự đột phá qua các năm. Số đầu xuất bản phẩm điện tử 2022 ước đạt 3.200 với 15 triệu lượt người sử dụng (tương đương 32-35 triệu bản sách được đọc), tăng 59% so với năm 2021. Các loại hình sách số khác như sách nói, sách tóm tắt cũng đang được chú trọng.
"Cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra nhiều cơ hội trong việc chia sẻ các ấn phẩm điện tử. Các loại sách xuất bản đã đa dạng hơn và độc giả có nhiều lựa chọn hơn như sách nói, sách điện tử đa phương tiện, sách tinh gọn, sách tóm tắt... Giống thị trường sách nói đang ngày càng phát triển, việc đầu tư vào dòng sách tinh gọn không hề cản trở mà còn giúp mở rộng đối tượng độc giả, đáp ứng nhu cầu đọc sách đa dạng", bà Nguyễn Hoài Anh - Phó giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật - chia sẻ.
Có thể thấy, công nghệ đã dẫn đến nhiều thay đổi trong cả thói quen tiếp cận sách, mua sách lẫn việc đọc sách. Các ứng dụng công nghệ cũng được tích hợp để tạo thêm tiện ích cho khách hàng như tra cứu danh mục sách, thanh toán tự động… Việc kết hợp các nền tảng công nghệ để đưa sách nói, sách điện tử tiếp cận được với người dùng cũng là mục tiêu được chú trọng, đặc biệt là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Nhiều bạn trẻ đã tạo lập thói quen nghe sách nói tiếng Việt. Ảnh: VoizFM.
Nhiều thách thức trong thời đại số
Công nghệ đã mở ra nhiều cơ hội cho những người làm xuất bản, giúp các công ty tự tin khởi nghiệp với sách và đưa sách đến với nhiều độc giả hơn. Tuy vậy, sự tiện lợi của công nghệ cũng đem lại những thách thức to lớn cho ngành xuất bản, từ việc đầu tư cho công nghệ, nhân sự, cạnh tranh với các nội dung số khác cho đến chống sách lậu trên môi trường số.
Khi tiến hành chuyển đổi số, ông Trương Văn Trung, trưởng ban Truyền thông & Văn hóa đọc Nhà xuất bản Thể thao & Du lịch, cho biết có 3 vấn đề mà đơn vị quan tâm là: công nghệ lưu trữ cho xuất bản điện tử; nghiệp vụ xuất bản số cho phù hợp với xu hướng, bối cảnh hiện tại và cuối cùng là khâu phát hành. Trong đó, quan trọng nhất là vấn đề phát hành các ấn phẩm điện tử ra cộng đồng làm sao để sản phẩm đến được với khách hàng có nhu cầu.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, TS Vũ Thùy Dương - Trưởng khoa Khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền - cho rằng người làm xuất bản hiện nay “luôn phải đương đầu với sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, và phải tìm ra giải pháp làm thế nào để thay đổi nhận thức và hành động của độc giả để tạo dựng thói quen văn hoá đọc tại Việt Nam”.
Ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói về vấn nạn sách giả và kiến nghị một số giải pháp cho môi trường số tại hội thảo ngày 23/12/2022. Ảnh: Thanh Trần.
Bên cạnh đó, công nghệ cũng là một con dao 2 lưỡi bởi nó vừa giúp các đơn vị xuất bản phát triển, vừa khiến tình trạng vi phạm bản quyền trên không gian mạng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát và khó áp dụng cơ chế xử phạt hơn.
Theo ông Lê Hoàng - Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - vấn nạn sách giả, sách lậu không hề giảm bớt mà còn tăng mạnh, phần lớn được lan truyền công khai trên các mạng xã hội. Nếu như trước đây chỉ một số lượng sách giả được bán trực tiếp, thì ngày nay hàng trăm trang bán sách giả đã được phát hiện trong một thống kê gần đây của ngành xuất bản, thực tế còn có thể nhiều hơn.
Theo ông Lê Hoàng Thạch - CEO ứng dụng Sách nói VoizFM - những đối tượng vi phạm ngày nay có thể kiếm lợi bằng nhiều cách. Núp bóng dưới các hình thức chia sẻ sách vì cộng đồng, chia sẻ tri thức miễn phí… họ có thể trục lợi từ chế độ kiếm tiền theo view, nhận quảng cáo từ nền tảng.
Nhằm hạn chế những mặt tối, khó kiểm soát của công nghệ và giúp ngành xuất bản phát triển một cách lành mạnh, Hội Xuất bản Việt Nam đã tích cực phối hợp cùng với các cơ quan liên quan như Cục Bản quyền tác giả, các nền tảng công nghệ, mạng xã hội để đề xuất các cơ chế gỡ bỏ nội dung vi phạm quyền tác giả trên môi trường số.
Bên cạnh việc khuyến khích chuyển đổi số, Hội Xuất bản còn có các buổi hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm nhằm tìm ra những giải pháp công nghệ tiện ích, an toàn và hiệu quả cho các đơn vị làm sách. Trong số hội viên của Hội Xuất bản cũng bao gồm các công ty công nghệ, văn phòng luật sư, đã tạo ra sự gắn kết chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau để cùng phát triển, hướng tới xây dựng ngành xuất bản Việt Nam theo hướng “tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/xuat-ban-sach-trong-thoi-cong-nghe-40-post1443400.html))