Ngày 19/8, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo Hoàn thiện cơ chế chính sách, hỗ trợ hoạt động xuất bản trở thành ngành kinh tế - công nghệ hiện đại, phát triển toàn diện, vững chắc và lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản.
Chủ trì hội nghị gồm: Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy.
Theo báo cáo của Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, 20 năm qua, lĩnh vực xuất bản tăng bình quân 6-8%/năm, số đầu sách tăng 1,8 lần, số bản sách tăng 2,2 lần, doanh thu tăng 3,2 lần.
Năm 2022 đạt 6 bản/người/năm; năm 2023 có gần 37.000 đầu xuất bản phẩm, trên 530 triệu bản sách in và sách điện tử, đưa tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người (chưa tính xuất bản phẩm nhập khẩu) đạt 5,3 bản/người/năm.
Lĩnh vực in tăng trưởng cả về quy mô và số lượng, với tăng trưởng toàn ngành khoảng 6%. Đến năm 2023, cả ngành có trên 2.100 cơ sở in với doanh thu gần 100 ngàn tỷ, vươn mình trở thành ngành công nghiệp phát triển.
Tuy nhiên, quy mô của cả 3 lĩnh vực còn hạn chế với tổng doanh thu mới đạt khoảng 102.000 tỷ năm 2023. Lĩnh vực in quy mô còn nhỏ lẻ, năng lực công nghệ hạn chế, thiết bị lạc hậu. Hệ thống phát hành phát triển không đều, nhiều yếu tố bất cập; việc đưa sách về các địa phương vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn...
Vì thế, ban tổ chức hội thảo mong muốn các đơn vị xuất bản thảo luận về những nội dung cần sửa đổi, bổ sung Luật Xuất bản, đề xuất cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực xuất bản, in và phát hành bảo đảm phù hợp yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập quốc tế…
Chính sách cho xuất bản điện tử và chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản
Điểm a, b, c khoản 1 Điều 45 (Luật Xuất bản 2012) và Điều 17 (Nghị định 195/2013/NĐ-CP) quy định: “Nhà xuất bản thực hiện xuất bản điện tử khi có đủ các điều kiện sau: Có năng lực về thiết bị, công nghệ và nhân lực kỹ thuật để điều hành và quản lý quá trình xuất bản điện tử; Có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm; Có tên miền Internet Việt Nam theo quy định của pháp luật để thực hiện xuất bản điện tử trên Internet”.
Theo Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Thông tin và Truyền thông Trần Chí Đạt, với các quy định trên không phải NXB nào cũng có khả năng và tiềm lực để đáp ứng. Vì thế, Luật Xuất bản cần cho phép và quy định rõ các NXB có thể liên kết với các NXB đã được cấp giấy “Xác nhận đăng ký hoạt động xuất bản/phát hành xuất bản phẩm điện tử”.
Khi xuất bản điện tử, tình trạng vi phạm bản quyền hết sức phức tạp. Về vấn đề này, đại diện NXB Trẻ cho rằng, cần có giải pháp căn cơ, toàn diện, đặc biệt là những giải pháp trên nền tảng số, trên cơ sở phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện hệ thống giải pháp mang tính đồng bộ, vừa tuyên truyền vận động người đọc thay đổi nhận thức, hành vi trong tiếp nhận tri thức trên cơ sở tôn trọng bản quyền, vừa phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm bản quyền.
Về phía đơn vị phát hành, đại diện Công ty phát hành sách Fahasa kiến nghị cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong việc phòng chống sách giả; có những đề tài nghiên cứu khoa học, học tập mô hình các nước tiên tiến để thực hiện việc phát triển văn hóa đọc trong nước; có cơ chế kiểm soát chất lượng, kiểm soát giá trên các kênh kinh doanh online, chống tình trạng bán sách lậu, sách kém chất lượng và bán phá giá; có chính sách ưu đãi tốt hơn cho các đơn vị uy tín trong ngành về giá thuê mặt bằng để mở nhiều nhà sách lớn xứng tầm với các nước trong khu vực.
Đại diện NXB Thế giới mong muốn có sự thống nhất về mô hình của các NXB vì chỉ như vậy mới có thể đưa ra những cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển đồng nhất.
"Cần xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp các NXB với tư cách là những đơn vị hoạt động trên lĩnh vực chính trị, văn hóa, tư tưởng. Đó là cơ chế, chính sách về giá thuê nhà đất, trụ sở, về miễn giảm các loại thuế, về đầu tư cơ sở hạ tầng, chi phí xuất bản, đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ, ưu đãi lãi suất vay vốn ngân hàng, các dự án đặt hàng lâu dài, có chiều sâu…", đại diện NXB Thế giới khẳng định.
Mô hình thông minh trong lĩnh vực in
Về lĩnh vực in, Chủ tịch Hiệp hội In Việt Nam Nguyễn Văn Dòng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang chịu áp lực cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm in chất lượng cao trong nước do sự chênh lệch về lợi thế cạnh tranh, năng lực tiếp thị, trình độ công nghệ và năng lực quản trị, đặc biệt là quản trị chất lượng sản phẩm.
Vì thế, ngoài sự nỗ lực của các doanh nghiệp in cần có sự cải cách, sửa đổi, bổ sung về mặt thể chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp in phát triển vững chắc và hài hòa hơn.
Phát triển xanh và chất lượng cao sẽ trở thành xu hướng phát triển công nghệ của ngành in trong tương lai. Vì thế, đại diện Công ty cổ phần In Công đoàn Việt Nam đề nghị: Đẩy mạnh nghiên cứu xu hướng phát triển trong tương lai của ngành công nghiệp in để phù hợp với tình hình kinh tế; cần nghiên cứu triển khai thí điểm phát triển mô hình nhà máy in thông minh; xây dựng 4 tiêu chuẩn ứng dụng công nghiệp in bao gồm: Tiêu chuẩn chung cơ bản, Thiết bị in thông minh, Nhà máy in thông minh, Dịch vụ in thông minh.
Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phan Xuân Thủy khẳng định, những vấn đề đặt ra tại hội thảo là cơ sở vô cùng quan trọng để Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT, Hội Xuất bản Việt Nam lắng nghe, ghi nhận những đề xuất của các NXB, đơn vị in, phát hành; cùng nhau nghiên cứu, phối hợp, đề xuất các giải pháp căn cơ trong quá trình tiến hành tổng kết 20 năm thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW; kịp thời tham mưu Ban Bí thư Trung ương Đảng có chủ trương, đường lối mới, hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm nâng cao chất lượng hoạt động xuất bản, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Sau khi lắng nghe ý kiến các đại biểu, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm khẳng định sẽ tiếp thu và "chắc chắn sẽ cụ thể hoá" để thúc đẩy xuất bản phát triển hơn nữa.
Thứ trưởng khẳng định Bộ TT&TT đang nỗ lực giải quyết vấn đề về thuế cho các doanh nghiệp. Một số thông tư do Bộ sắp ban hành tới đây sẽ có nhiều chỉ đạo giảm thuế, trong đó, thuế nhập khẩu 10 dòng máy in cho ngành in được giảm xuống mức 8%.
“Luật Xuất bản sửa đổi sắp tới sẽ hướng đến việc quản lý cả những công ty xuất bản, phát hành xuyên biên giới. Giảm thiểu thủ tục hành chính sẽ là nhiệm vụ trọng tâm”, ông Lâm khẳng định.
(Nguồn tin: https://vietnamnet.vn/de-hoat-dong-xuat-ban-tro-thanh-nganh-kinh-te-cong-nghe-hien-dai-2313381.html)