Những thông số tăng trưởng ấn tượng, giải sách quốc gia là những điểm nhấn khiến giới xuất bản trong khu vực chú ý đến Việt Nam. Gần đây, Việt Nam cũng là quốc gia tiêu điểm tại Hội sách thiếu nhi châu Á, để lại nhiều ấn tượng tốt trong lòng nước bạn.
Dấu ấn Giải thưởng Sách quốc gia
Giải thưởng Sách quốc gia được tổ chức hàng năm luôn là một sự kiện thu hút giới xuất bản Việt Nam nói riêng và xuất bản Đông Nam Á nói chung.
Đêm trao giải, giới xuất bản và đại sứ quán của một số nước Đông Nam Á đến tham dự. Năm 2022, trong cuộc trao đổi với Tri thức trực tuyến, bà Catherine Khoo - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Xuất bản Singapore, Chủ tịch Ủy ban Giải thưởng Sách Singapore, Giám đốc điều hành Nhà xuất bản Janus Education - đã nói: "Tôi rất ấn tượng với quy mô tổ chức và số lượng khách mời của Giải thưởng Sách quốc gia Việt Nam. Không khí náo nhiệt, sân khấu và địa điểm tổ chức quá lớn”.
Ấn tượng mạnh bởi quy mô giải sách, bà cho biết sẽ tìm đọc các tác phẩm đoạt giải nếu có cuốn nào được dịch sang tiếng Anh. “Tôi cũng mong với những cuốn được giải, các bạn sẽ cho chuyển ngữ để bạn đọc quốc tế như chúng tôi có thể tiếp cận và học hỏi được nhiều điều từ văn hóa, con người và đất nước Việt Nam hơn”, bà Catherine Khoo nói.
Những cuốn sách đoạt Giải thưởng Sách quốc gia cũng thường xuyên được các đơn vị xuất bản đem đi giới thiệu tại các hội sách quốc tế.
Đơn cử, sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Thượng thư Bộ Binh triều Nguyễn Lê Quang Định (giải A Sách quốc gia 2022) được TS Nguyễn Mạnh Hùng đem tới trưng bày tại hội sách quốc tế Malaysia vào 30/5-1/6 vừa qua. Sách Chang hoang dã (giải A Sách quốc gia 2021) thường xuyên được đem đi giới thiệu và bán bản quyền. Tính đến nay, sách đã được xuất bản tại hơn 10 quốc gia, nhận được phản hồi tích cực và thậm chí còn được trao nhiều giải thưởng danh giá khác ở nước ngoài.
Theo ông Phạm Trần Long, Giải thưởng Sách quốc gia là một cú hích cho xuất bản Việt. Đây là giải thưởng có quy mô lớn, các tác phẩm đoạt giải cũng nhận được hiệu ứng truyền thông tốt và tiếp cận được phổ rộng độc giả.
Ông chia sẻ: "Chúng tôi đã nghiên cứu và đề xuất lập một danh mục sách đoạt giải để giới thiệu sang nước ngoài. Danh mục này có thể giúp các tác phẩm tăng cơ hội được bán bản quyền xuất bản ở thị trường quốc tế hơn".
Đoàn Việt Nam tại Hội sách Thiếu nhi châu Á. Ảnh: AFCC.
Thiết lập quan hệ hợp tác trong khu vực
TS Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ rằng hiện nay ngành xuất bản các nước ASEAN đang kết nối với nhau rất tốt. "Nhờ có Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á, các quốc gia thành viên học hỏi được lẫn nhau nhiều điều. Hiệp hội tổ chức nhiều sân chơi, hội thảo, hội nghị để các nhà xuất bản trong khối làm việc, liên kết và cùng nhau xuất bản sách", ông nói.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2022-2023, Hội xuất bản Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch luân phiên Hiệp hội xuất bản Đông Nam Á. Đây là cơ hội để xuất bản Việt Nam, một lần nữa, khẳng định vị thế của mình và thúc đẩy xuất bản khu vực.
Trong dịp Hội sách thiếu nhi châu Á hồi cuối tháng 5 vừa qua, Việt Nam được chọn làm quốc gia tiêu điểm và đã có nhiều hoạt động đặc sắc, được nước bạn đánh giá cao.
Theo ông Phạm Trần Long, Hội Xuất bản Việt Nam làm rất tốt vai trò dẫn dắt các đơn vị xuất bản khác thành một đoàn tham gia Hội sách ở nước ngoài. Ông nói: "Ông Nguyễn Nguyên, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, đã chuẩn bị nội dung kỹ lưỡng cho đoàn. Khi sang đến Singapore, ông Lê Hoàng, Trưởng văn phòng đại diện phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam, là trưởng đoàn. Ông Lê Hoàng là một người dày dặn kinh nghiệm, rất giỏi trong lĩnh vực này và đã nhanh nhạy nắm bắt, đưa ra các giải pháp, đảm bảo hiệu quả công việc, nêu bật vai trò và vị thế của sách thiếu nhi Việt Nam".
Tại đây, ông Lê Hoàng đã đề xuất 3 giải pháp hợp tác - đề xuất sách đọc trong trường học; khuyến đọc thông qua đường sách; tổ chức giải thưởng để lan tỏa văn hóa đọc - và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ phía đối tác.
Bà Claire Chiang, Chủ tịch Hội đồng Sách Singapore, ca ngợi hoạt động tọa đàm của Việt Nam, cho biết bà rất bất ngờ khi đoàn Việt Nam cử đông đại diện tham gia như vậy và rằng những buổi tọa đàm phong phú của Việt Nam chính là một phần tạo nên thành công của Hội sách Thiếu nhi châu Á 2023.
Trong Đêm Việt Nam, bà Chiang bày tỏ niềm vui khi được hợp tác với Việt Nam, cùng nhau thực hiện dự án Đồng dịch thuật. Trong đó, 5 tựa sách của Singapore và 5 của Việt Nam dành cho trẻ em được chọn để dịch và xuất bản giữa hai nước.
Bà bày tỏ nguyện vọng thành lập Vòng kết nối Hội sách Thiếu nhi châu Á tại Việt Nam, để tiếp tục hợp tác về phát triển văn học và các cơ hội dịch thuật giữa cộng đồng văn học Singapore và Việt Nam.
Người làm xuất bản từ nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ sự hứng thú với xuất bản Việt Nam. Bà Caroline Brousse, một thủ thư người Pháp, muốn mua bản quyền sách truyện cổ tích, thần thoại, truyền thuyết của Việt Nam. Hội sách Quốc tế Malaysia đợt cuối tháng 4 và Hội sách Quốc tế Kuala Lumpur đợt cuối tháng 5 đã mời TS Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Ban chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam, làm diễn giả...
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/hoi-xuat-ban-post1441847.html))