Trải nghiệm sách nói tại hội sách nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ hai, TP.HCM. Ảnh: Thanh Trần.
Đó là thông tin được ông Trần Chí Đạt, Tổng biên tập, Giám đốc Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông đưa ra tại tọa đàm Vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xuất bản, tổ chức trong khuôn khổ Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam diễn ra tại TP Huế. Theo ông Đạt, chuyển đổi số là cơ hội cho các nhà xuất bản để triển khai các hoạt động đổi mới, sáng tạo; qua đó, có được thị trường mới và rộng lớn trên không gian mạng. Tuy nhiên, cũng có nhiều thách thức không nhỏ như sự cạnh tranh khốc liệt, thay đổi thói quen của người đọc sách… chính vì thế cần phải kiên trì và thường xuyên đồng hành với bạn đọc.
Năm 2020, lần đầu tiên Hội sách toàn quốc được tổ chức theo hình thức trực tuyến nhưng đã có những thành công nhất định. Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty Giải pháp Giáo dục Vivi Education, cho biết: “Thời điểm đó mọi thứ với chúng tôi khá mới mẻ, từ một đơn vị công nghệ, chúng tôi có thêm động lực để đồng hành với ngành xuất bản nhằm đưa những ứng dụng công nghệ chuyển sách đến cho bạn đọc. Sau 3 năm vận hành sàn sách trực tuyến quốc gia Book365, chúng tôi nhận thấy các đơn vị xuất bản, phát hành đã thay đổi rất nhiều. 3 năm trước, nhiều đơn vị chưa biết đưa sản phẩm của mình lên sàn thương mại điện tử hay đăng những thiết kế ấn phẩm để quảng bá, đến nay họ đã chủ động hơn, nhiều nhà xuất bản liên hệ chúng tôi để tư vấn thêm những giải pháp chuyển đổi số trong mô hình vận hành của mình”.
Theo thống kê, năm 2022 xuất bản điện tử tăng mạnh (59% so với năm 2021), với 3.200 đầu sách điện tử được xuất bản và khoảng 15 triệu lượt người dùng. Ngành xuất bản kỳ vọng năm 2023 này sẽ tiếp tục có sự phát triển mạnh ở thị trường số.
Trao đổi với Văn Hóa, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ TT&TT) cho biết trong 5 năm trở lại đây, sách điện tử ở Việt Nam rất phát triển, xuất phát từ nhu cầu của độc giả và từ nội sinh ngành xuất bản. Đây cũng là cây cầu kết nối thị trường trong nước với nước ngoài. Hiện nay, chúng ta đang có nhiều nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành, xuất bản sách điện tử tương đối tốt. Các loại hình sách điện tử như ebook, audiobook, videobook… đã giúp độc giả nhanh chóng tiếp cận sách mới. Đây là xu hướng mà ngành xuất bản đang tập trung đẩy mạnh phát triển trong thời gian tới. “Tuy nhiên, thách thức hiện nay chính là công nghệ, khi có quá nhiều nền tảng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ TT&TT, chúng tôi đang tập trung xây dựng một nền tảng dùng chung cho xuất bản và phát hành. Các nhà xuất bản sẽ sử dụng nền tảng này để thực hiện quy trình xuất bản và phát hành; nền tảng đó cũng sẽ kết nối với bạn đọc trong và ngoài nước”, ông Nguyễn Ngọc Bảo thông tin.
Còn theo ông Trần Chí Đạt, mục tiêu chuyển đổi số mà Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông hướng đến chính là trở thành nhà xuất bản số vào năm 2025. Từ năm 2023 này, tất cả các quy trình biên tập sẽ được số hóa, và đến hết năm sẽ áp dụng mọi quy trình và làm việc trên môi trường số.
“Nhu cầu của bạn đọc ngày một tăng, không dừng lại ở việc đọc sách điện tử lật trang đơn thuần mà là sách multimedia tích hợp video, âm thanh, hình ảnh… Cả nước hiện có 57 nhà xuất bản nhưng chỉ có 17 nhà xuất bản được cấp phép đủ điều kiện xuất bản, phát hành sách điện tử. Chúng tôi mong muốn tất cả các đơn vị đều được xuất bản điện tử, nhằm đa dạng hóa, thu hút và đáp ứng được yêu cầu của bạn đọc”, ông Trần Chí Đạt bày tỏ.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/thach-thuc-ve-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-xuat-ban-post1427377.html))