Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Hiếu Duy.
Hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 diễn ra ngày 17/2. Trước thềm hội nghị, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - đưa ra những đánh giá tổng quan về ngành xuất bản trong năm 2022. Những chỉ số đạt được trong năm qua sẽ là tiền đề để ngành xuất bản phát triển trong năm 2023.
Tăng trưởng ở tất cả chỉ số
- Thưa ông, nhìn lại năm 2022, ngành xuất bản có những dấu ấn nào đậm nét?
- Năm 2022, chúng ta bước vào một năm đầy khó khăn, tất nhiên cũng có thuận lợi. Tôi muốn nhắc đến những tác động tiêu cực của Covid-19, những vấn đề thuộc về xung đột vũ trang thế giới làm ảnh hưởng, gián đoạn nguồn cung trong ngành, đặc biệt là bộ phận in. Có thể thấy đó là những khó khăn nghiêm trọng. Từ đó dẫn đến không ít quan điểm lo lắng rằng ngành xuất bản có một năm đầy thách thức.
Tuy nhiên, với rất nhiều cố gắng, đặc biệt nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo thường xuyên, kịp thời của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan, sự nỗ lực, phấn đấu, sáng tạo không ngừng của các đơn vị trong khối xuất bản, in và phát hành, có thể nói ngành xuất bản 2022 đã để lại ấn tượng lớn: tăng trưởng ở tất cả chỉ số phát triển.
Doanh thu các nhà xuất bản năm 2022, nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Anh Vũ.
Chúng ta nhận thấy sự tăng trưởng ở số lượng bản sách, số lượng đầu sách, doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách. Các chỉ số tăng trưởng không chỉ tăng, mà tăng cao. Đơn cử, số bản sách năm nay lên đến 598,9 triệu, đưa mức bình quân sách/người/năm lên mức 6,1 bản. Đây là mục tiêu mà chúng ta đặt ra để phấn đấu đến năm 2025, nhưng đã đạt được vào năm 2022.
Về mặt doanh thu, năm nay cũng là một năm có doanh thu cao với hơn 3,9 nghìn tỷ đồng. Ở lĩnh vực phát hành, con số cũng vượt trên 4.500 tỷ đồng. Đó đều là những con số cao nhất từ trước đến nay, cho thấy những nỗ lực, phấn đấu đáng kể của các đơn vị. Các chỉ số kéo theo như nộp ngân sách, lợi nhuận cũng tăng trưởng nhanh. Đó là những con số biết nói, cho thấy đà tăng trưởng của ngành.
- Bên cạnh những chỉ số tăng trưởng, ngành xuất bản còn khía cạnh nào cần cải thiện?
- Bên cạnh đó, ta cũng quan sát thấy một vấn đề quan ngại. Đầu tiên là trong tỷ lệ sách/đầu người (đang tăng trưởng nhanh với 6,1 bản sách/người/năm), có hơn 3 bản sách là sách giáo khoa, sách bài tập, sách phục vụ cho giáo viên, sách giáo trình. Tỷ lệ đó là cao, có lẽ chúng ta cần giải pháp để cơ cấu lại.
Thứ hai nhìn vào doanh thu và lượng bản sách của ngành xuất bản đang tồn tại những mâu thuẫn đáng quan ngại. Có thể thấy, tỷ lệ sách tăng trưởng rất nhanh, doanh thu tuy có tăng cao nhưng không tương xứng với tỷ lệ tăng trưởng của ngành sách. Số lượng bản sách tăng trưởng đến 49,5%, song doanh thu chỉ tăng 33%. Điều đó cũng cho thấy bất cập trong mô hình hoạt động của mỗi đơn vị và cả ngành, một bài toán lớn cần giải pháp lớn.
Xuất bản điện tử cũng đã có một năm đột phá, số bản sách tăng lớn, đạt 3.350 xuất bản phẩm (tăng 45,6%) với 32,5 triệu bản (tăng 30%). Song số đầu sách chưa có nhiều, chưa phong phú cho bạn đọc lựa chọn. Đặc biệt, ta mới chỉ phát triển được thị trường sách nói, còn các thị trường khác, như ebook, sách dạy nghề, hướng nghiệp chưa nhiều. Đó là những mặt thiếu sót cần khắc phục.
In lậu, xâm phạm bản quyền đang trở thành một thách thức gay gắt trong thời điểm này. Vấn nạn này đang tác động trực tiếp và cực kỳ sâu sắc tới ngành. Nếu ta không tìm kiếm được giải pháp để khắc phục thì chắc chắn khó duy trì được đà tăng trưởng.
Cơ cấu sách tính theo số cuốn và tính theo số bản, nguồn: Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: Anh Vũ.
Tiềm năng để các nhà đầu tư bước vào thị trường xuất bản
- Vậy theo ông, trong năm 2023 và những năm tiếp theo, ngành xuất bản cần làm gì để khắc phục những mặt còn hạn chế đó?
- Trước hết, chúng tôi cho rằng một trong những nội dung quan trọng nhất đối với các cơ quan quản lý là tập trung vào công tác tham mưu để hoàn thiện hệ thống pháp luật. Luật xuất bản 2012 đã cho thấy những vấn đề bất cập. Đã đến lúc ta đặt vấn đề lên bàn để nghiêm túc giải quyết.
Năm 2023, chúng tôi sẽ cố gắng để hoàn thiện sớm hồ sơ, từ đó đề nghị xây dựng luật xuất bản sửa đổi bổ sung, với một tầm nhìn mới, mang tính chiến lược, mở ra một định hướng phát triển mới cho ngành xuất bản: gắn với chuyển đổi số, tăng cường năng lực cạnh tranh…
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các dòng sách với số lượng lớn, dễ tiếp cận đông đảo bạn đọc, như sách cẩm nang, dạy nghề, sách tinh gọn. Đây phải được coi là một nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Để làm được việc này, đòi hỏi nỗ lực của cả các cơ quan quản lý lẫn các cơ quan đang hoạt động trong ngành.
Thứ ba, song hành giải pháp phát triển, giải pháp bảo vệ thị trường rất cần được quan tâm. Làm thế nào để có được những giải pháp đấu tranh, ngăn chặn xâm phạm bản quyền. Tới đây, chúng tôi mong rằng có thể phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam thành lập trung tâm bảo vệ bản quyền.
Đồng hành với đó, hiện nay Cục Xuất bản, In và Phát hành đã lập một đường dây nóng ngăn chặn sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền. Tôi mong rằng các địa phương cũng sớm có đường dây nóng tương tự, để cả hệ thống có thể vào cuộc, hỗ trợ, ngăn chặn đấu tranh chống lại vấn nạn này.
Thứ tư, chúng tôi sẽ sớm kết hợp các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới để có cam kết, sử dụng các giải pháp pháp lý và kỹ thuật, ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện buôn bán xâm phạm bản quyền trên không gian mạng.
- Hiện nay, các nhà xuất bản đang chuyển đổi số ra sao?
- Trong đà phát triển, không thể không đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ngành trong năm qua đã thực hiện được một số bước tiến như tăng số lượng xuất bản điện tử, xây dựng được nền tảng xuất bản điện tử dùng chung, kết nối các nhà xuất bản.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ hoàn thiện hơn các nội dung này, tiếp tục mở rộng xuất bản bản điện tử, mục tiêu năm sau là khoảng 50% số nhà xuất bản đăng ký xuất bản điện tử; tăng số lượng xuất bản điện tử lên chiếm khoảng 12% trên tổng đầu sách; tăng số bản sách điện tử được đọc lên 40-50 triệu bản.
Ngoài ra, cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được với mạch chuyển đổi số. Đó là những nội dung mà toàn ngành, nhưng trước hết là cơ quan quản lý, cần tập trung thực hiện.
- Có ý kiến cho rằng quá trình chuyển đổi số cần đến sự hợp tác của các công ty công nghệ. Theo ông, các công ty công nghệ đã quan tâm đến thị trường xuất bản chưa?
- Tôi cho rằng các nội dung số hiện nay, như âm thanh số, đang được các nhà đầu tư rất quan tâm. Xuất bản cũng có nội dung liên đới đến âm thanh số.
Như ta thấy, chỉ trong thời gian ngắn, sách nói đã có bước phát triển rất mạnh. VoizFM tăng trưởng gấp 5 lần, Fonos cũng tăng 3-5 lần, Waka cũng có bước nhảy mạnh… Ngoài ra, có cả những đơn vị mới nổi, đang dần thu hút được sự chú ý của độc giả. Điều này cho thấy những cơ hội, những tiềm năng để các nhà đầu tư công nghệ bước vào thị trường xuất bản.
Chuyển đổi số đòi hỏi sự tâm huyết và tầm nhìn các nhà đầu tư. Tôi hy vọng thời gian tới, với sự phát triển mạnh mẽ của thị trường xuất bản, các nhà đầu tư sẽ nhìn thấy cơ hội của mình trong ngành xuất bản. Từ đó góp phần tạo cơ hội cho chính mình và cơ hội của ngành xuất bản.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/su-tang-truong-cua-nganh-xuat-ban-qua-nhung-con-so-post1402138.html))