Với chiến lược quốc gia về phát triển văn hóa, ngày 24/02/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 21/4 hàng năm là “Ngày sách Việt Nam”. Ngày sách không bó hẹp ở một vài cơ quan, địa phương, mà thực sự thu hút được sự quan tâm của đông đảo bạn đọc hưởng ứng.
Ngày hội đọc sách trên cả nước
Tại hệ thống trường học, nhiều cơ sở giáo dục chủ động xây dựng và triển khai Ngày sách Việt Nam với các hoạt động chính khóa ngoại khóa. Hoạt động thiết thực thường được thực hiện như: Quyên góp sách xây dựng tủ sách lớp học, tổ chức ngày hội đọc sách theo chủ đề, hình thành các câu lạc bộ về đọc sách ở trường…
Các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp trên 11 triệu bản sách cho thư viện các nhà trường, học sinh nghèo trong 5 năm qua. 240 nghìn hội thi, hội thảo, chuyên đề tập huấn về sách và văn hóa đọc. Trên 50% cơ sở giáo dục tổ chức trưng bày, triển lãm giới thiệu sách. Khoảng 30.000 tủ sách phụ huynh được xây dựng.
Các hoạt động Ngày sách Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo bộ, ban, ngành.
Hệ thống thư viện công cộng hưởng ứng Ngày sách bằng nhiều hoạt động phong phú nhằm quảng bá giá trị văn hóa tinh thần của sách. Thư viện Quốc gia Việt Nam tổ chức hội sách vào tháng 4 hàng năm, hệ thống thư viện tỉnh có nhiều hoạt động, hội thi, triển lãm sách…
Hệ thống thư viện địa phương đã phối hợp với ngành giáo dục tổ chức Ngày sách ở các trường học vùng sâu, vùng miền núi, như: Thư viện tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Gia Lai, Cà Mau; phối hợp với ngành công an tổ chức đem sách đến các trại giam, trung tâm điều trị cai nghiện, như: Thư viện tỉnh Sơn La, Hà Nam, Hà Nội, Bình Định, Bình Dương; phối hợp Ban chỉ huy quân sự tổ chức Ngày Sách Việt Nam ở các đồn biên phòng, hải đảo, như: Thư viện tỉnh Điện Biên, Kon Tum, Bình Phước…
Lực lượng an ninh, quốc phòng hưởng ứng Ngày Sách với nhiều hoạt động trang trọng. Tổng cục Chính trị đã tổ chức hoạt động Ngày sách Việt Nam hàng năm và phát động phong trào đọc sách trong toàn quân gắn với việc “Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”.
Mô hình “Tủ sách dành cho phạm nhân” là dấu ấn nổi bật được xây dựng tại các trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Việc đưa sách vào trại giam, xây dựng các tủ sách phạm nhân đã tạo nên phong trào đọc, viết và làm theo sách trong các trại giam.
Ngày sách Việt nam được giao cho Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, nhưng các bộ ngành ở trung ương tham gia. Các hoạt động của Ngày sách thường gắn với chức năng quản lý Nhà nước và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của từng cơ quan, đơn vị. Tiêu biểu như Bộ Nội vụ tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Ngày Sách Việt Nam lồng ghép với công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo đưa việc tổ chức hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam vào tiêu chí đánh giá, xếp loại của cơ quan, đơn vị. Bộ Tư pháp tổ chức các buổi Tọa đàm giới thiệu sách với chủ đề “Sách - người bạn đồng hành của sự thành công”…
Học sinh tham gia Ngày sách Việt Nam 2017 tại Thư viện Quốc gia. Ảnh: Báo điện tử Đảng Cộng sản.
Các tổ chức Đoàn, Hội, Đội tổ chức nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về văn hóa đọc. Các cấp Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trên cả nước đã xây dựng hơn 36.000 tủ sách các loại (tủ sách măng non, tủ sách Bác Hồ, tủ sách pháp luật, tủ sách biển đảo…), với gần 4 triệu cuốn sách. Phát động xây dựng công trình “Khu vườn tri thức xanh” trong các tổ chức Đoàn; mở lớp tập huấn nghiệp vụ về kỹ năng, phương pháp đọc sách cho Tổng phụ trách Đội…
Ngành xuất bản tích cực hưởng ứng Ngày sách Việt Nam. 5 năm qua, toàn ngành xuất bản gần 160.000 xuất bản phẩm với gần 1,9 tỷ bản. Chất lượng xuất bản phẩm ngày càng được nâng cao, cung cấp cho xã hội khối lượng lớn thông tin, kiến thức của nhiều lĩnh vực, góp phần nâng cao dân trí và phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ của mọi đối tượng bạn đọc.
Mô hình Đường sách, phố sách đã đầu tư xây dựng và được phát huy hiệu quả, tiêu biểu như: Đường sách thành phố Hồ Chí Minh; Phố sách Hà Nội; đường sách Vũng Tàu; không gian đường sách Hai Bà Trưng, thành phố Huế.
Tổng kết hiệu quả, tìm hướng phát triển cho văn hóa đọc
Năm 2018, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng kế hoạch cụ thể và hướng dẫn các bộ, ngành, tổ chức và các địa phương thực hiện tổng kết 5 năm Ngày sách Việt Nam.
Trong tháng 4 này, nhiều hoạt động tổng kết được diễn ra. Hội thảo khoa học “Xây dựng và phát triển phong trào đọc sách” được tổ chức từ 8h ngày 17/4 tại Đài tiếng nói Việt Nam. Các tham luận tập trung vào ba chủ đề lớn: cơ chế, chính sách đối với phát triển văn hóa đọc; thực trạng đọc sách hiện nay; đề xuất, kiến nghị những giải pháp phát triển phong trào đọc sách, nâng cao và phát triển văn hóa đọc.
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá, nêu bật những kết quả, chỉ rõ những hạn chế, vướng mắc trong xây dựng và phát triển phong trào đọc sách ở nước ta hiện nay, từ đó đề xuất giải pháp.
Đường sách Nguyễn Văn Bình trở thành điểm hẹn văn hóa đọc.
Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách Việt Nam diễn ra từ 8h ngày 18/4 tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc tế. Tại hội nghị, Bộ Thông tin và truyền thông sẽ báo cáo thực tiễn hoạt động Ngày sách Việt Nam trong 5 năm qua; khen thưởng, tôn vinh các tập thể, cá nhân đóng góp vào phát triển văn hóa đọc.
Như mọi năm, hội sách chào mừng Ngày sách Việt Nam sẽ được tổ chức tại công viên Thống Nhất, Hà Nội. Chương trình khai mạc lúc 15h ngày 18/4, kéo dài tới ngày 22/4. Hội sách có sự tham gia của 84 đơn vị, với khoảng 100 gian hàng. Trong suốt năm ngày diễn ra, Ban tổ chức trưng bày, giới thiệu các hình ảnh, hiện vật về sách được làm từ các chất liệu khác nhau qua các thời kỳ. Các đơn vị tham gia cũng có những sự kiện giao lưu.
(Nguồn tin: https://news.zing.vn/sau-5-nam-ngay-sach-viet-nam-da-tro-thanh-ngay-hoi-cong-dong-post935195.html#zingweb_category_newslatest5)