Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng được khai mạc sáng 24/11 tại Hà Nội. Ngành xuất bản với sứ mệnh truyền bá tri thức, nâng cao dân trí, quảng bá văn hóa là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nêu định hướng ngành sách trong việc tham gia phát triển văn hóa.
Vừa là phương tiện cấu thành văn hóa, vừa xây dựng truyền bá văn hóa
- Thưa ông, xuất bản có ý nghĩa như thế nào trong việc phát triển văn hóa?
- Xuất bản có nhiệm vụ tích lũy và truyền bá giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học của xã hội; xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam.
Nói một cách khác, xuất bản vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa, đồng thời cũng là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa.
- Ngành xuất bản đã có những đóng góp gì trong phát triển văn hóa?
- Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của xuất bản, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, hoạt động xuất bản đã có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng, làm ra các công trình, tác phẩm trở thành những cuốn sách gối đầu giường của nhiều cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và người dân yêu nước.
Những cuốn sách ấy vừa luận giải sâu sắc, thuyết phục nền tảng tư tưởng, lý luận của Đảng ta, vừa tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, phục vụ kịp thời công tác lãnh đạo, chỉ đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, “kháng chiến, kiến quốc”, là nguồn động viên tinh thần, cổ vũ hành động cách mạng của quần chúng nhân dân.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Anh.
Trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức, hy sinh, bám sát nhiệm vụ chính trị ở từng giai đoạn, các nhà xuất bản, những người làm công tác xuất bản đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiếp tục tuyên truyền sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng.
Những tác phẩm lý luận chính trị, văn hóa của các nhà xuất bản trong thời kỳ này đã khơi dậy lòng yêu nước và sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hăng hái thi đua học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu anh dũng, quật cường, lập nên những chiến công hiển hách của dân tộc, đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
- Những năm gần đây, ngành xuất bản có thành tựu gì để vừa tham gia phát triển văn hóa, vừa truyền bá văn hóa?
- Bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động xuất bản đã có nhiều chuyển biến tích cực, với bước phát triển cả về chất và lượng, giữ được định hướng chính trị, thích ứng với cơ chế thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đọc của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nội dung, phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý hoạt động xuất bản có nhiều đổi mới, kịp thời khắc phục một số hạn chế, bất cập trong thực tiễn hoạt động xuất bản.
Tính đến hết năm 2019, năng lực của ngành đạt 4,6 bản sách/người/năm, tăng gần bốn lần so với những năm đầu đổi mới (1986-1987) và tăng khoảng hai lần so với 2004 (năm ban hành Chỉ thị 42 về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản - văn bản chỉ đạo có ý nghĩa to lớn, khẳng định rõ vị trí, vai trò và định hướng phát triển của hoạt động xuất bản).
Năm 2020 và 2021, dù chịu nhiều tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, hoạt động xuất bản tiếp tục có bước phát triển quan trọng, có nhiều công trình giá trị cao, đi vào đời sống xã hội.
Thành công của 13 lần Giải thưởng sách Việt Nam và bốn lần Giải thưởng Sách quốc gia trong những năm qua, đưa Giải thưởng Sách quốc gia trở thành một trong những sự kiện văn hóa quan trọng, thu hút sự quan tâm của cả xã hội, là minh chứng tiêu biểu cho nỗ lực, cố gắng của những người làm công tác xuất bản.
Nâng cao chất lượng sách, phát huy hệ giá trị con người Việt
- Ngành xuất bản sẽ làm gì để tiếp tục tham gia sâu hơn vào phát triển văn hóa, đặc biệt thực hiện mục tiêu “Hiện thực hóa các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời đại mới”?
- Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta tiếp tục xác định quan điểm chỉ đạo “Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên…”.
Định hướng phát triển đất nước 2021-2030: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc” và “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế”.
Đối với hoạt động báo chí, xuất bản, truyền thông, Văn kiện nêu rõ: “Khẩn trương triển khai phát triển có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời bảo vệ, gìn giữ tài nguyên văn hóa cho các thế hệ mai sau. Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Thực hiện tốt quy hoạch, phát triển hệ thống báo chí, truyền thông. Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa. Tăng cường quản lý và phát triển các loại hình truyền thông, thông tin trên Internet. Kiên quyết đấu tranh, loại bỏ các sản phẩm, thông tin độc hại, xuyên tạc, phản động, ảnh hưởng xấu đến ổn định chính trị - xã hội, thuần phong mỹ tục”.
Đồng thời, Báo cáo chính trị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng nhấn mạnh: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa”.
Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính định hướng, vừa để khẳng định vai trò của hoạt động xuất bản trong phát triển các lĩnh vực văn hóa và dịch vụ văn hóa.
Qua đó, hoạt động xuất bản giới thiệu tri thức thuộc các lĩnh vực của đời sống xã hội, giá trị văn hóa dân tộc và tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tạo động lực to lớn cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong thời gian tới.
Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trên, toàn ngành xuất bản cần triển khai đồng bộ các giải pháp phát huy mặt tích cực, khắc phục mặt hạn chế, từ hoàn thiện cơ chế chính sách đến tăng cường năng lực, tiềm lực của đơn vị xuất bản, phát triển các thiết chế văn hóa đọc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành…
Đặc biệt, toàn ngành nâng cao chất lượng xuất bản phẩm, xuất bản nhiều công trình, tác phẩm giá trị, có sức lan tỏa nhằm góp phần xây dựng và phát huy tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số, phát triển xuất bản thành ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc, hội nhập quốc tế.
https://zingnews.vn/sach-gop-phan-phat-huy-tri-tue-pham-chat-con-nguoi-viet-nam-post1279433.html
(Nguồn tin: Zingnews.vn)