Dịch giả Nguyễn Bích Lan (ở giữa) trong lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia năm 2020. Ảnh: Quỳnh Trang.
Phát biểu tại Hội Xuất bản Việt Nam tại hội nghị xét giải hồi đầu tháng 9, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - cho biết năm nay, Giải thưởng Sách quốc gia muốn tìm kiếm giá trị phổ quát ở các tác phẩm tranh giải, một giá trị có sức lan tỏa tới công chúng.
Trả lời phỏng vấn của Zing, PGS.TS Vũ Văn Phúc, Trưởng tiểu ban sách Chính trị, Kinh tế, Giải thưởng Sách quốc gia nhận định tính phổ quát là một yêu cầu cao khi chấm giải, những cuốn sách được giải phải tiếp cận đến đa số độc giả trong xã hội; nhiều người có thể đọc, hiểu, ứng dụng được.
"Ngay cả sách chính trị, kinh tế cũng phải viết sao cho hấp dẫn, thu hút được người đọc, để nâng cao tri thức đọc, văn hóa đọc của người dân Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ”, ông Phúc nói.
Tiêu chí chấm giải
Bàn về những tiêu chí hướng đến khi xét giải, Trưởng tiểu ban sách Chính trị, Kinh tế chia sẻ: “Tiêu chí tiểu ban chúng tôi hướng đến là tác phẩm đảm bảo tính chính trị. Cái thứ hai là phải đảm bảo tính khoa học, phải luận chứng cho những cơ sở lý luận, cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn của chủ trương đường lối của Đảng nói chung và chủ trương phát triển kinh tế, chính trị nói riêng. Chúng tôi lưu tâm đến tính thực tiễn, xem liệu những vấn đề được nêu ra có thời sự không, có giá trị ứng dụng không, ví dụ như đưa ra những giải pháp phát triển nền kinh tế thị trường, đẩy mạnh xã hội hóa, hiện đại hóa đất nước, giải quyết vấn đề xã hội…”.
Theo ông Vũ Văn Phúc, tính chính trị, tính lý luận, khoa học và tính thực tiễn là những tiêu chí chấm cao nhất. Bên cạnh đó, hội đồng chấm giải còn đòi hỏi tác phẩm phải có hình thức đẹp, trình bày, sắp xếp nội dung logic, hợp lý, thuyết phục được người đọc.
“Dĩ nhiên, quan trọng là công trình phải độc lập của cá nhân hoặc tập thể tác giả, không được sao chép công trình khác, nếu có trích dẫn thì phải ghi nguồn đầy đủ”, ông nói.
Ông cho biết, hiện nay, hội đồng rất chú ý đến những tác phẩm gắn với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, gắn với vấn đề chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số…
Các tác phẩm được chấm và đánh giá khắt khe qua nhiều tiêu chí. Ảnh: Thành Đông.
Với các công trình khoa học tự nhiên và công nghệ, khi chấm giải, các chuyên gia thường dựa trên 3 tiêu chí chính: tính khoa học, cập nhật; tính ứng dụng, thực tiễn; tính mỹ thuật, trình bày.
GS Nguyễn Khoa Sơn - Phó chủ tịch Hội Hàng không Vũ trụ Việt Nam, Trưởng tiểu ban sách Khoa học tự nhiên và công nghệ, Giải thưởng Sách quốc gia - cho biết Giải thưởng Sách quốc gia tìm kiếm giá trị học thuật, giá trị nghệ thuật, giá trị thực tiễn và giá trị phổ quát. Sách khoa học cũng cần được đông đảo công chúng đọc và phải có tính ứng dụng. “Chúng tôi thường xuyên phải nhắc nhớ nhau để khi chấm không quên mất tiêu chí ấy”.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu tâm đến giá trị thẩm mỹ của cuốn sách. “Cuốn sách cần đạt những tiêu chí về mỹ thuật, về in ấn. Sách hay bao nhiêu nhưng đóng lỏng lẻo, in mập mờ thì cũng rất khó đọc”, trưởng tiểu ban sách Khoa học tự nhiên và công nghệ chia sẻ.
Trao đổi với Zing, PGS.TS Văn Ngọc Thành - thành viên Hội đồng sơ khảo, tiểu ban Khoa học xã hội và Nhân văn - cho biết tính khoa học, giá trị học thuật của các tác phẩm thuộc hạng mục sách Khoa học xã hội và Nhân văn là tiêu chí đầu tiên và cũng là tiêu chí quan trọng nhất.
Bên cạnh đó, tính thời sự là cơ sở quan trọng không kém. “Trong đó, còn nhiều tiêu chí nữa như tính đại chúng, tính thực tiễn. Khi đọc, người chấm phải tự lựa để đánh giá công tâm đối với từng quyển một”. Ngoài ra, ông Văn Ngọc Thành cho biết tính mỹ thuật cũng là một phần của tiêu chí đánh giá.
Đối với các tác phẩm thuộc hạng mục sách Văn hóa, văn học và Nghệ thuật, ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, bày tỏ mong muốn tìm được những cuốn sách có giá trị nghệ thuật cao, có tính văn chương đậm đà nhưng cũng có giá trị lan tỏa, tiếp cận được đông đảo độc giả. PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học - thì muốn ưu tiên tính sáng tạo của các tác phẩm khi xét giải.
Đối với hạng mục sách Thiếu nhi, theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, những tiêu chí chính bao gồm: Tính giáo dục cao về nhân cách, trí tuệ, thể chất; Độ sinh động, hấp dẫn, khuyến khích khả năng tìm tòi, sáng tạo của thiếu nhi; Nội dung phù hợp lứa tuổi; Mỹ thuật.
Hình ảnh tại Hội nghị Chung khảo Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ năm. Ảnh: Duy Anh.
Giá trị phổ quát, lan tỏa văn hóa đọc
Theo PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Giải thưởng Sách quốc gia trước hết là tôn vinh các tác phẩm hay, những xuất bản phẩm có giá trị, bên cạnh đó còn có vai trò giới thiệu đến độc giả những tác phẩm tốt nhất. “Bản thân những tác phẩm được trao thưởng đã có nguồn năng lượng lan tỏa rồi. Khi thấy tác phẩm được xướng tên, người ta sẽ tìm đọc”.
PGS.TS Vũ Văn Phúc nhận xét những năm gần đây, Giải thưởng Sách quốc gia đã trở thành một phần động lực thúc đầy các tác giả viết sách, thúc đẩy các nhà xuất bản làm sách. “Theo quan sát của tôi, các nhà xuất bản và các tác giả giờ đây đã chú ý hơn đến chất lượng lẫn hình thức của sách để gửi tác phẩm đến tham gia tranh giải”, PGS Phúc nói.
Ông nhận định giá trị của Giải thưởng Sách quốc gia ngày càng được nâng lên, xã hội cũng quan tâm hơn đến Giải thưởng Sách quốc gia. Các tác phẩm đoạt giải mang tầm giá trị không chỉ cho riêng người Việt Nam, mà còn có thể cho người nước ngoài, những người hứng thú và muốn tìm hiểu về Việt Nam.
Bên cạnh đó, Trưởng tiểu ban sách Chính trị, Kinh tế cho biết, giá trị sâu xa của giải thưởng sách là ảnh hưởng tích cực, đặc biệt lên công chúng, thúc đẩy văn hóa đọc, tri thức đọc của cộng đồng. Ông Phúc nhận định: “Sách là một người bạn đồng hành trong việc nâng cao trình độ kiến thức, trình độ tri thức của con người. Giá trị lan tỏa này là một điều rất đáng quý, rất đáng trân trọng”.
https://zingnews.vn/nhung-gia-tri-giai-thuong-sach-quoc-gia-lan-thu-nam-huong-den-post1358096.html
(Nguồn tin: Zingnews.vn)