Giao lưu tác giả, giới thiệu sách, tổ chức tọa đàm, hội sách trên môi trường số có ưu thế về số lượng bạn đọc. Họ có thể tham gia tương tác cùng một thời điểm.
Hai năm qua, đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng mọi mặt đời sống. Các sự kiện về xuất bản, giao lưu, giới thiệu sách buộc phải diễn ra trên môi trường số.
Với những tác động không mong muốn của Covid-19, đại diện một số đơn vị xuất bản, phát hành trong nước nhận định 2022 tiếp tục là năm các hoạt động xuất bản sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến. Một vài sự kiện sẽ được tổ chức kết hợp thực địa nếu điều kiện dịch bệnh cho phép.
Nhiều triển lãm sách và hoạt động của giới xuất bản diễn ra trên sàn Book365.vn. Ảnh: Duy Hiệu.
Thành quả đạt được từ sự kiện trực truyến
Năm 2021, tiếp nối thành công của mùa trước, Hội sách trực tuyến quốc gia lần thứ tám tiếp tục diễn ra trên sàn Book365.vn từ 17/4-15/5. Trong đó, ngày hội bản quyền sách trực tuyến diễn ra ngày 19/4-26/4.
Ông Trần Chí Đạt - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông (đơn vị sở hữu sàn Book365.vn) - thông tin sau hơn 20 ngày diễn ra sự kiện, hội sách có 86 gian hàng của các đơn vị xuất bản. 40.000 bản sách đã đến tay bạn đọc. Trong đó, hơn 10.000 tựa sách hay được tài trợ, đưa mức doanh thu đạt trên 3,5 tỷ đồng (gấp 3,5 lần so với năm 2020).
Bên cạnh đó, Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp một số đơn vị tổ chức triển lãm sách trực tuyến “Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước” ngày 4/6-15/6 tại địa chỉ Book365.vn, với sự tham gia của gần 100 nhà xuất bản, công ty sách.
“Khoảng 15.000 đầu sách với 2.542 đơn đặt hàng được đưa tới bạn đọc cả nước. Sự kiện trực tuyến này đã thu hút sự quan tâm của xã hội. Điều đó được phản ánh qua số lượng bạn đọc truy cập là hơn 500.000”, ông Đạt thông tin.
Trong điều kiện dịch bệnh có diễn biến khả quan hơn, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Hội Xuất bản Việt Nam cũng tổ chức hội thảo trực tiếp kết hợp trực tuyến về chủ đề “Ứng dụng tem điện tử vào quản lý sản phẩm in và phòng, chống in lậu”.
Hội thảo có sự tham gia của 30 đại diện nhà xuất bản, công ty phát hành, các chuyên gia, công ty công nghệ cung cấp tem điện tử tại Hà Nội và điểm cầu trực tuyến tại TP.HCM.
Trong năm 2021, Covid-19 gây ra khó khăn chung cho toàn ngành xuất bản. Song, các hoạt động hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại về sách vẫn được triển khai qua hình thức trực tuyến và đạt hiệu quả nhất định.
Có thể kể đến hội nghị “Tìm cách tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19” do Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức, gồm 29 điểm cầu trực tuyến; tọa đàm “Giao dịch bản quyền giữa các quốc gia Đông Nam Á” dưới sáng kiến của Hội Xuất bản Indonesia; Hội chợ sách quốc tế Venezuela (Việt Nam là khách mời danh dự); lễ chuyển giao chức chủ tịch luân phiên Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á cho Hội Xuất bản Việt Nam…
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh trong buổi giao lưu, ký tặng sách trực tiếp cho hơn 300 độc giả tại TP.HCM. Ảnh: Bá Ngọc.
Hình thức trực tuyến là xu hướng chung của toàn ngành
Bà Vũ Thị Quỳnh Liên - Phó giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Kim Đồng - thông tin hai năm qua, nhiều hoạt động giới thiệu sách trực tiếp buộc phải hủy bỏ dù đã lên kế hoạch và chuẩn bị rất kỹ trước đó.
“Giao lưu trực tuyến với độc giả qua nền tảng Zoom hoặc livestream đang là xu hướng được hầu hết đơn vị xuất bản áp dụng. Phải thừa nhận rằng hình thức này không có sự trực quan và tạo cảm xúc, ấn tượng nhất định như hoạt động trực tiếp. Tuy nhiên, các hoạt động trực tuyến lại tỏ rõ ưu thế ở số lượng người tham dự cùng một thời điểm, đến từ nhiều nơi khác nhau, cả trong và ngoài nước”, bà Quỳnh Liên đánh giá.
Với những ưu thế đó, cộng thêm dự đoán về tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, đại diện Nhà xuất bản Kim Đồng cho rằng trong năm 2022, nhiều sự kiện của ngành sách vẫn sẽ tiếp tục được phát huy trên môi trường số.
Theo bà Trần Nhật Hoàng Phương - Giám đốc Marketing Công ty Phương Nam Books - hai năm qua, con người đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong cách sinh hoạt và làm việc hàng ngày. Hình thức tổ chức các sự kiện về sách cũng không ngoại lệ.
Khi chứng kiến những cuộc trò chuyện, phỏng vấn, tọa đàm giao lưu, giới thiệu sách trên môi trường số, bà Hoàng Phương nhận thấy nội dung của các sự kiện này đã tạo được sự đa dạng, hấp dẫn và thu hút độc giả tương tác nhiều hơn.
Giám đốc Marketing Phương Nam Books cũng dự đoán rằng với những điểm mạnh đó, năm 2022, nhiều sự kiện tiếp tục được tổ chức trên không gian mạng, thậm chí còn có sự đa dạng hơn nữa.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam là đơn vị trong năm qua có nhiều hoạt động giao lưu cùng tác giả qua nền tảng Zoom và phát trực tiếp trên Fanpage.
Bà Trương Thị Ngọc Lan - đại diện Phòng Truyền thông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - thông tin kể từ đợt bùng dịch lần thứ tư tại Hà Nội, đơn vị bà đã chuyển đổi hình thức giao lưu, giới thiệu sách từ trực tiếp sang trực tuyến.
“Thiếu vắng những buổi ký tặng sách và cái ôm chúc mừng giữa tác giả và độc giả là điều không thể tránh khỏi. Nhưng thay vào đó, các hoạt động trực tuyến giúp kết nối người cầm bút và bạn đọc yêu sách từ nhiều nơi trên thế giới”, bà Ngọc Lan nói.
Sự kiện giới thiệu sách trên môi trường số cho thấy hai lợi thế. Thứ nhất là sự mở rộng về mặt không gian. Thứ hai, hình thức này cho phép lưu lại video sự kiện. Qua đó, những người không kịp tham gia hoàn toàn có thể mở ra xem lại.
Đại diện Phòng Truyền thông, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cho rằng từ năm 2022, không chỉ đơn vị bà mà các nhà xuất bản, công ty phát hành sách của toàn ngành cũng sẽ đi theo xu hướng này.
https://zingnews.vn/nhieu-su-kien-ve-sach-se-duoc-to-chuc-truc-tuyen-nam-2022-post1286736.html
(Nguồn tin: Zingnews.vn)