Đọc sách là sở thích phổ biến ở Mỹ
Theo trang Statista.com, đọc sách vẫn là một sở thích phổ biến với người dân tại Mỹ. Dữ liệu gần đây nhất cho thấy 3/4 số người trưởng thành đã đọc ít nhất một cuốn sách ở bất kỳ định dạng nào (sách giấy, kindle, đọc online...) trong năm 2022.
Một điều không thể phủ nhận là sách in vẫn quan trọng đối với người tiêu dùng và ít nhất là trong tương lai gần, nó khó có thể bị thay thế bởi sách kỹ thuật số.
Ngoài ra, người Mỹ tiếp tục chi hơn 100 USD mỗi năm cho việc đọc. Sách in vẫn là định dạng được đa số họ yêu thích, nhưng cũng ngày càng cởi mở hơn với các định dạng đọc sách khác.
Các công cụ đọc sách kỹ thuật số đang trở nên phổ biến hơn khi người tiêu dùng tận dụng khả năng truy cập và sự tiện lợi mà sách điện tử, sách nói mang lại.
Bên cạnh đó, số lượng độc giả tạp chí cũng tăng lên và nhiều công ty tạp chí đang tận dụng việc người tiêu dùng ngày càng có nhiều khả năng tương tác với nội dung của họ thông qua web hoặc video trên thiết bị di động để thu hút và gia tăng lượng tiếp cận.
Sự phổ biến của manga ở Nhật Bản
Với sự phổ biến của manga - một cụm từ tiếng Nhật để chỉ các loại truyện tranh Nhật Bản, không có gì ngạc nhiên khi có đông đảo các cộng đồng đọc tại quốc gia này.
Ngoài lượng độc giả khá đông đảo của thể loại tiểu thuyết, Nhật Bản còn có các otaku - những người hâm mộ nhiệt huyết với truyện tranh, đến từ nhiều tầng lớp khác nhau. Họ là độc giả của các tạp chí truyện tranh hàng tuần, hàng tháng với các tiểu thuyết nhiều kỳ và số lượng phát hành lên đến vài triệu bản.
Người Đức thích đọc sách giấy
Văn hóa đọc ở Đức phát triển khá mạnh. Rất nhiều người đọc sách trong khi đi lại, dạo chơi trong công viên hoặc ngồi trong quán cà phê.
Người Đức thích đọc sách giấy hơn là sử dụng thiết bị đọc sách điện tử. Có rất nhiều hiệu sách xung quanh thành phố Berlin với đa dạng các sách thuộc nhiều thể loại khác nhau.
Người Đức đều có thể tìm thấy một cuốn sách phù hợp với gu đọc sách của họ. Có rất nhiều hiệu sách chuyên biệt, nằm rải rác quanh Berlin. Một số dành riêng cho nghệ thuật, số khác bán truyện tranh, trong khi một số chỉ cung cấp sách bằng tiếng Pháp hoặc tiếng Italy.
Đức cũng nổi tiếng với hội chợ sách lớn nhất thế giới Frankfurt (Frankfurter Buchmesse), được tổ chức hàng năm vào giữa tháng mười. Frankfurter Buchmesse còn được xem là một trong những sự kiện văn hóa và thương mại quốc tế quan trọng nhất trên thế giới và thường có khoảng 7.300 nhà triển lãm đến từ hơn 100 quốc gia.
Độc giả Trung Quốc ngày càng thích sách nói
Theo China Daily, một cuộc khảo sát kéo dài từ tháng 8/2019 đến tháng 2/2020 cho thấy đa phần người trưởng thành Trung Quốc được khảo sát có thói quen đọc sách, dù là báo in hay trên thiết bị kỹ thuật số.
Năm 2019, một người Trung Quốc trưởng thành đọc trung bình 4 cuốn sách in và 2 cuốn sách kỹ thuật số. Hầu hết người Trung Quốc cảm thấy họ không hài lòng với số lượng sách họ đọc trong một năm, 11,1% đọc hơn 10 cuốn sách in và 7,6% đọc hơn 10 cuốn sách điện tử.
Đồng thời, đi cùng sự tiến bộ của công nghệ, độc giả Trung Quốc ngày càng bị thu hút bởi dạng sách nói và con số người yêu thích định dạng sách này ngày càng tăng.
Đa số người Australia khuyến khích con đọc sách
Hội đồng Nghệ thuật Australia cho biết con số 95% người Australia thích đọc sách vì niềm vui hoặc sở thích; 68% muốn đọc nhiều hơn, lý do phổ biến nhất để đọc là thư giãn và giải tỏa căng thẳng và gần 3/4 tin rằng sách đóng vai trò tích cực trong việc cải thiện cuộc sống của họ.
Đa số những người Australia khuyến khích con đọc sách và văn hóa đọc sách điện tử cũng bắt đầu phát triển.
Trong khi sách in vẫn chiếm ưu thế trong việc đọc, hơn một nửa số người đọc cũng kết hợp dùng sách điện tử và 12% sách nói.
Người Australia tiếp tục mua sách từ các cửa hàng truyền thống, trong khi đó, việc mua sách trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến. Họ chọn đọc sách bằng việc nghe nhận xét và đánh giá từ người khác, đồng thời cũng tìm kiếm trong những hiệu sách truyền thống.
Như vậy, văn hóa đọc luôn đóng một vai trò quan trọng trong văn hóa của một quốc gia. Thông qua đó, chúng ta có thể biết thêm về lịch sử và văn hóa, hiểu rõ hơn về sự thay đổi xã hội và các giá trị của từng đất nước.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/ngay-sach-viet-nam-nhin-ra-van-hoa-doc-o-cac-nuoc-post1424961.html))