Nhiều năm qua, sách giả đã trở thành vấn nạn của ngành xuất bản Việt Nam. Có nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, kiện tụng liên quan đến sách giả nhưng tất cả chỉ như "muối bỏ bể". Thậm chí, công ty sách First News còn bị tòa tuyên thua trước một tổ chức sản xuất sách giả vì không chứng minh được thiệt hại.
Sách giả ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản
Trong cuộc tọa đàm Sản xuất - tiêu thụ sách giả giết chết ngành xuất bản, ông Nguyễn Văn Phước, giám đốc công ty First News cho biết thời gian qua đơn vị đã phát hiện nhiều tổ chức in sách giả nhưng lực bất tòng tâm. “First News hiện có khoảng 1.000 đầu sách giá trị, trong đó bán chạy khoảng 400 cuốn nhưng đã phát hiện 686 đầu sách bị in lậu, bị làm giả, xâm phạm, vi phạm bản quyền dưới mọi hình thức” ông nói.
Hàng trăm đầu sách giả bị công ty First News phát hiện, lập vi bằng.
Theo ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, sách giả hiện nay được phân phối, phát hành ở quy mô rộng lớn, phức tạp. Sách giả không chỉ xuất hiện trong các cửa hàng sách truyền thống, còn được rao bán trên các sàn thương mại điện tử. Các sàn này bán sách theo hình thức cho cá nhân, đơn vị khác thuê "chỗ" kinh doanh. Vì vậy, đa số sàn không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng sách.
Ông Hoàng nhấn mạnh: “Bán sách qua sàn giao dịch điện tử, số lượng lớn, sẽ gây thiệt hại nhiều hơn cho ngành xuất bản. Ngoài ra, một số trang ebook, còn chuyển từ sách in sang sách số, cho độc giả đọc miễn phí. Tất cả những hoạt động bất hợp pháp trên đều xâm hại đến quyền lợi của người làm xuất bản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh thu của ngành”.
Theo ông Hoàng, sách giả thường chiết khấu cao, giảm tới 50% so với giá bìa, trong khi đó các nhà xuất bản chỉ chiết khấu cao nhất là 30%. Vì lợi nhuận nên nhiều nhà phân phối, sàn thương mại điện tử bỏ qua khâu kiểm tra chất lượng sách, thậm chí "dung dưỡng" cho sách giả rao bán.
“Để phát hành được một cuốn sách là cả quá trình dài, tốn nhiều chi phí như mua bản quyền, dịch thuật, biên tập, xin giấy phép, in ấn và xuất bản. Sách thật không thể giảm giá 50%. Doanh thu của ngành xuất bản vốn đã khiêm tốn, nay phải đối đầu với nạn sách giả thì càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông cho hay.
Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đánh giá nạn sách giả không chỉ khiến ngành xuất bản gặp khó khăn mà còn kéo theo hệ luỵ sau đó như thiệt hại về của doanh thu của các tác giả, ảnh hưởng tâm lý người sáng tạo.
Hội Xuất bản sẽ kiến nghị xử lý nạn sách giả đến cơ quan chức năng
Để diệt trừ tận gốc nạn sách giả, ông Lê Hoàng cho rằng cần xóa bỏ các ổ sản xuất sách giả. Theo ông, làm được điều này cần có sự kết hợp của các cơ quan chức năng như công an, thanh tra, quản lý thị trường. Các nhà xuất bản với nguồn lực hạn chế, lại làm về chuyên môn, không thể tự mình xử lý được vấn nạn này.
Sách giả tràn lan làm ảnh hưởng đến doanh thu của ngành xuất bản.
“Cơ quan chức năng từng bắt và xử lý nhiều cơ sở sản xuất lịch giả vào dịp Tết thì tôi nghĩ không lý do gì mà không thể phát hiện, khởi tố các ổ sản xuất sách. Nếu trước đây, luật liên quan đến các tội phạm của lĩnh vực xuất bản chưa đủ sức răn đe thì hiện tại Luật hình sự 2015 đã sửa đổi, có những quy định cụ thể hơn về các tội liên quan đến việc làm sách giả. Trong đó, mức phạt tiền cao nhất lên tới một tỷ đồng và có thể bị phạt tù 3 năm", ông lý giải.
Vấn nạn này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành xuất bản, ở vai trò đại diện, bảo vệ quyền lợi của các đơn vị xuất bản, ông Lê Hoàng cho hay, Hội Xuất bản sẽ đưa ra những đánh giá đầy đủ, cụ thể về thiệt hại mà sách giả gây ra.
Tiếp đó, hội gửi kiến nghị tới các cơ quan thi hành pháp luật, để họ vào cuộc, thu thập bằng chứng và khởi tố những cá nhân, tổ chức vi phạm.
https://news.zing.vn/nganh-xuat-ban-viet-nam-gap-kho-khan-vi-sach-gia-ban-tran-lan-post963950.html
(Nguồn tin: Zing.vn)