Đầu tháng 10, anh Trần Đình Ba, biên tập viên Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM, trở lại văn phòng sau một thời gian dài làm việc ở nhà và một tháng tham gia chống dịch ở Củ Chi.
“Mừng nhất là được thấy đồng nghiệp của mình đều khỏe mạnh. Trước đây, chúng ta đến cơ quan, gặp đồng nghiệp là trạng thái bình thường. Nhưng trải qua đại dịch, thật quý giá khi được làm việc và thấy mọi người khỏe mạnh”, anh Trần Đình Ba nói.
Anh Trần Đình Ba là một trong nhiều nhân viên nhà xuất bản, công ty sách khác đang trở lại văn phòng làm việc, dần vào guồng sản xuất; góp phần phục hồi hoạt động xuất bản, phát hành.
Trở lại làm việc trong trạng thái bình thường mới
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã có khoảng thời gian dài giãn cách (chi nhánh tại TP.HCM giãn cách hơn 5 tháng; trụ sở chính tại Hà Nội giãn cách gần 3 tháng). Đến nay, về cơ bản, nhà xuất bản đã quay trở lại hoạt động với 100% cán bộ làm việc tập trung.
Đường sách TP.HCM mở cửa trở lại là một tín hiệu tích cực cho hoạt động xuất bản, phát hành. Ảnh: Chí Hùng.
Các cửa hàng, nhà in đã bước đầu hoạt động trở lại, đặc biệt gian hàng tại Đường sách TP.HCM và Phố sách Hà Nội đã mở cửa đón bạn đọc trong giờ hành chính.
Tượng tự, Nhà xuất bản Thế giới cũng quay trở lại làm việc trong chế độ bình thường mới. So với chỉ khoảng 10% cán bộ nhân viên đi làm trong dịp giãn cách, hiện tại, 100% quân số nhà xuất bản đã đi làm đầy đủ.
“Chúng tôi cũng linh hoạt áp dụng chế độ làm việc tại nhà và quản lý qua công việc với một số đối tượng phù hợp”, ông Phạm Trần Long - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Thế giới - chia sẻ.
Trong khi đó, một số đơn vị chưa yêu cầu toàn bộ nhân sự đến văn phòng làm việc. Công ty Alpha Books vẫn cho nhân sự thuộc khối biên tập làm việc từ xa. Bộ phận lãnh đạo và nhân sự thuộc khối kinh doanh tới văn phòng làm việc.
Một số đơn vị trên địa bàn TP.HCM chọn phương án đi làm với 50% nhân sự tại văn phòng, làm việc luân phiên, tùy điều kiện thực tế của từng nhân viên mà đưa ra chính sách làm việc phù hợp.
Khi yêu cầu nhân viên trở lại văn phòng, các nhà xuất bản, công ty sách đều dựa trên yêu cầu cụ thể của chính quyền địa phương. Đối với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, 100% nhân viên tiêm hai mũi vaccine, thực hiện 5K. Công ty Alpha Books, bên cạnh đảm bảo 5K, còn cấp cho nhân viên túi thuốc an sinh.
Trước khi cho nhân viên trở lại trụ sở làm việc, Nhà xuất bản Thế giới rà soát lập danh sách toàn thể cán bộ nhân viên về việc đã tiêm vaccine chưa, tiêm mấy mũi và loại vaccine nào, từ đó đưa ra quyết định bố trí chế độ làm việc, lịch trình làm việc của cơ quan.
“Chúng tôi luôn bám sát hướng dẫn của UBND thành phố Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan hữu quan nhằm đảm bảo tối đa tính an toàn và hiệu quả khi triển khai công việc trong trạng thái bình thường mới”, ông Phạm Trần Long nói.
Tuy hoạt động trở lại, các đơn vị vẫn dựa vào tình hình thực tế để tổ chức công việc phù hợp. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chủ động chuyển các hoạt động hội họp sang hình thức trực tuyến. Các cuộc giao lưu trực tuyến cũng được tổ chức, bán hàng online được thúc đẩy…
PGS.TS Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - tại chương trình giới thiệu sách Vaxxers. Chương trình hạn chế người tham gia, được tổ chức ngay sau thời gian giãn cách. Ảnh: Medinsight.
Kế hoạch phục hồi
Ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch HĐQT Alpha Books - cho biết thời gian dịch bệnh bùng phát vừa qua khiến giới xuất bản nói chung, Alpha Books nói riêng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhiều hoạt động như hội sách (một mảng hoạt động rất mạnh tại các địa phương) của công ty sách này đóng băng. Các cửa hàng tại TP.HCM, Hà Nội - hai thị trường lớn của ngành sách - đóng cửa. Bán sách trực tuyến gặp khó do chính sách vận chuyển.
Alpha Books đang nỗ lực, thực thi các kế hoạch nhằm hồi phục sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh. Ông Nguyễn Cảnh Bình ước lượng từ giờ đến cuối năm có thể hồi phục 50% kinh doanh.
Nhà xuất bản Thế giới đưa ra một số giải pháp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới. Ông Phạm Trần Long thông tin đơn vị của mình sẽ linh hoạt áp dụng các chế độ làm việc để có thể kịp thời ứng phó khi cần thiết.
Đơn vị này cũng từng bước tiến hành rà soát, củng cố bộ máy theo hướng tinh gọn, mạnh dạn tập trung phát triển những bộ phận chiến lược, loại dần bộ phận phụ thuộc dư thừa.
Bên cạnh đó, Nhà xuất bản Thế giới sẽ nghiên cứu mở rộng mảng đề tài để đáp ứng nhiều đối tượng bạn đọc hơn nữa, nhằm mang lại nguồn thu đa dạng hơn. Điều này xuất phát từ thực tế hai năm nay, đại dịch Covid-19 khiến giao thương quốc tế gần như ngưng trệ, khách quốc tế không thể sang Việt Nam, dẫn tới các xuất bản phẩm tiếng nước ngoài của Nhà xuất bản Thế giới gần như đóng băng, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cũng trải qua những ngày đầy khó khăn khi doanh thu sụt giảm, có thời điểm toàn bộ kênh kinh doanh trên thị trường có doanh thu bằng 0.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cho biết nhà xuất bản đang đẩy mạnh khai thác các kênh ngân sách, dịch vụ, liên kết, các hoạt động in ấn… để bù đắp doanh thu.
“Chúng tôi nhanh chóng giải phóng các công việc tồn đọng trong dịch; kết nối bạn hàng; kết nối trở lại thị trường đã bị đứt gãy; tìm kiếm bạn hàng mới; đẩy mạnh kênh online, chuyển đổi số; ưu tiên nguồn lực sản xuất; đầu tư có trọng tâm trọng điểm; tiếp tục khai thác kênh ngân sách, đấu thầu, liên kết, dịch vụ; đẩy mạnh kênh thư viện - trường học; đầu tư mở rộng đối tác tại các tỉnh thành…”, bà Phượng nói về kế hoạch phục hồi sản xuất.
Đơn vị này cũng đầu tư vào chất lượng sản phẩm theo chiều sâu; làm sách phiên bản đẹp phục vụ các nhà sưu tầm; chú trọng công tác truyền thông; dịch vụ chăm sóc khách hàng; đẩy mạnh các chương trình bán hàng ưu đãi cho khách hàng...
Các hoạt động hội thảo, giao lưu với tác giả và bạn đọc vẫn tiếp tục được thực hiện với hình thức trực tuyến.
https://zingnews.vn/nganh-sach-vao-guong-san-xuat-phuc-hoi-sau-gian-cach-post1271177.html
(Nguồn tin: zingnews.vn)