Chuyển đổi số thay đổi cách thức con người lan truyền, tiếp nhận thông tin. Ảnh: NC.
Trong hai năm liên tiếp (2020-2021), tỉnh Thừa Thiên Huế duy trì vị trí thứ 2/63 tỉnh, thành phố về chỉ số đánh giá chuyển đổi số.
Trong buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao trong công tác thực chuyển đổi số của tất cả các ngành, các lĩnh vực; tạo sức lan tỏa trong tất cả hoạt động của đời sống xã hội và bước đầu đã tạo sự thay đổi căn bản trong hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao khi Thừa Thiên Huế luôn là địa phương đi đầu trong chuyển đổi số và dịch vụ đô thị thông minh.
Dù vậy, ông cũng lưu ý, gợi mở một số vấn đề cho tỉnh. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng tỉnh cần làm tốt hơn nữa việc thu hút doanh nghiệp công nghệ số, cần xây dựng môi trường đầu tư cởi mở, minh bạch, có tính đổi mới, có môi trường số, nhất là dịch vụ công trực tuyến hiệu quả.
Ông cho rằng Huế có tiềm năng phát triển mạnh mẽ và cần được quảng bá, truyền thông nhiều hơn trên nền tảng số để thu hút đầu tư.
Các diễn giả trong buổi tọa đàm "Vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xuất bản".
Tiềm năng của chuyển đổi số trong xuất bản
Huế vốn đã là một vùng đất giàu truyền thống văn hiến, nhiều người Huế là người ham đọc, đọc thường xuyên. Và dù được đánh giá là tỉnh có chỉ số chuyển đổi số cao, hoạt động xuất bản số tại đây chưa thực sự sôi động và có sức lan tỏa như tinh thần văn hiến tại đây.
Sáng 22/4, tại tọa đàm "Vai trò của chuyển đổi số đối với đổi mới, sáng tạo trong hoạt động xuất bản", ông Trần Chí Đạt, giám đốc - tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông nhận định xuất bản điện tử là một trong những nội dung cần được chú ý khi nói về chuyển đổi số.
Ông cho rằng nếu biết tận dụng, chuyển đổi số sẽ mang lại nhiều kết quả tích cực cho xuất bản.
Ông Trần Chí Đạt nói chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản có thể thấy rõ nhất là trong các hoạt động marketing, bán hàng trên các trang thương mại điện tử, xuất bản điện tử.
Nhiều nhà xuất bản, công ty sách đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ vào trong hoạt động xuất bản, phát hành. Các kênh phát hành cũng sẽ được mở rộng, vượt ra ngoài khuôn khổ của các kênh truyền thống với các hệ thống trực tuyến được xây dựng theo công nghệ đa nền tảng, đa giao diện.
Bên cạnh đó, sách điện tử và các hình thức xuất bản trên phương tiện truyền thông hiện đại ra đời cũng tạo ra những sự lựa chọn cho bạn đọc trong việc tiếp cận nội dung xuất bản phẩm.
Các loại hình sách mới như ebook, audiobook, videobook xuất hiện ngày một nhiều hơn trên thị trường xuất bản Việt Nam, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc.
Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông mong rằng buổi tọa đàm này mang đến cơ hội cho các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách xuất tham gia Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này tại Huế cùng giao lưu, chia sẻ và học tập kinh nghiệm để không ngừng sáng tạo, đổi mới trong hoạt động xuất bản.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/giai-bai-toan-chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-xuat-ban-o-hue-post1424387.html))