Giải thưởng Sách quốc gia lần thứ tư do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức. Trước thềm lễ trao giải (diễn ra tối 12/11 tại Hà Nội), ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - nói về sức hút của giải thưởng với người làm sách.
Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam. Ảnh: Duy Anh.
Sức hút của Giải thưởng Sách quốc gia
- Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, các nhà xuất bản đã tham gia giải thưởng ra sao?
- Dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới ngành xuất bản các nước. Xuất bản Việt Nam được cho là một trong những điểm sáng của khu vực Đông Nam Á vì những cố gắng của các đơn vị trong ngành.
Giải thưởng Sách quốc gia năm nay diễn ra trong điều kiện dịch bệnh nhưng số lượng sách tham gia tăng thêm 9 đầu sách, ba tên sách so với năm ngoái.
Điều đó cho thấy nỗ lực lớn của tác giả, dịch giả, đặc biệt là người làm sách; qua đó cho thấy uy tín của giải thưởng ngày càng nâng lên, là điểm đến, hội ngộ của người làm sách.
- Công tác chấm giải đã được tổ chức như thế nào để chọn ra những cuốn sách giá trị, đảm bảo chất lượng giải thưởng?
- Làm nên chất lượng giải thưởng có nhiều yếu tố. Thứ nhất là sách được gửi đến dự giải. Thứ hai là công tác tổ chức chấm giải, trong đó có vai trò của các nhà khoa học.
Năm nay, chúng tôi tập hợp đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu. Hơn 70 nhà khoa học tham gia chấm giải ở ba vòng: Sơ khảo (5 mảng sách), Hội đồng Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia.
Năm nay, tất cả hội đồng chấm giải đều bổ sung nhân lực mới, những giáo sư đầu ngành. Đặc biệt chấm mảng sách khoa học công nghệ có sự tham gia của GS.TS Hồ Tú Bảo với chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, người có kinh nghiệm trong mảng sách liên quan chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số.
Bên cạnh đó, hội đồng giải thưởng cũng bổ sung nhà khoa học trẻ, sung sức, gắn bó với ngành xuất bản như PGS.TS Tạ Hải Tùng… Đó là những bổ sung góp phần làm nên chất lượng của giải thưởng.
- Năm qua, chúng ta nhiều lần thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Trong điều kiện đó, hội đồng giải thưởng làm việc ra sao?
- Covid-19 tác động nhất định đến công tác chấm giải và tổ chức giải thưởng. Thông thường, giải thưởng trao vào dịp 21/4 (Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam). Chúng tôi đã xin chuyển ngày trao giải đến 10/10 hàng năm (ngày truyền thống của ngành xuất bản). Do những tác động của dịch bệnh nên ngày trao giải năm nay diễn ra vào 12/11. Nói như vậy để thấy dịch bệnh có tác động tới công tác tổ chức giải thưởng.
Nhưng dịch bệnh không ảnh hưởng tới chất lượng chấm giải. Chúng tôi đã triển khai các ứng dụng công nghệ, tổ chức họp, hội nghị trực tuyến… Các phương tiện kỹ thuật giúp việc chấm giải không bị giãn cách; thực hiện mục tiêu “Covid-19 không làm giãn cách tình yêu sách”.
Một số thành viên Hội đồng Chung khảo trong buổi làm việc hồi tháng 10. Ảnh: Việt Linh.
Lan tỏa giá trị của sách tới cộng đồng
- Với tư cách Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, ông đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Giải thưởng Sách quốc gia với ngành xuất bản?
- Giải thưởng luôn có vai trò quan trọng với ngành xuất bản, từ 13 mùa giải Sách Việt Nam cho đến khi nâng lên thành Giải thưởng Sách quốc gia.
Trước hết, đó là sự tôn vinh với người làm sách gồm tác giả, dịch giả, đội ngũ nhà xuất bản và công ty sách… Bên cạnh đó, giải thưởng góp phần tôn vinh giá trị của cuốn sách, làm cho giá trị những cuốn sách đó lan tỏa, đi vào đời sống xã hội. Cuối cùng, đích cao nhất là góp phần giúp xã hội quan tâm đến sách, khiến sách trở thành người bạn lớn, phát triển văn hóa đọc.
- Giải thưởng tôn vinh người làm sách và hướng tới bạn đọc. Hội đồng làm thế nào để đảm bảo sách đoạt giải phù hợp bạn đọc đại chúng?
- Chúng tôi luôn lưu ý vấn đề sách hướng tới đông đảo người đọc. Ngay trong tiêu chí chấm giải đã có những điểm liên quan giá trị ứng dụng, giá trị phổ quát, giá trị tư tưởng, giá trị khoa học… Đây đều là những tiêu chí có thang điểm để chấm.
Năm nay, một số đầu sách vào chung khảo và đoạt giải đều là tác phẩm được đông đảo độc giả đón nhận, tạo sự lan tỏa trong xã hội. Tôi mong rằng giải thưởng những năm tới có thêm nhiều đầu sách như vậy, nhất là sách của tác giả trong nước, góp phần động viên đội ngũ sáng tác, từ đó giúp bạn đọc có tình yêu với sách.
- Một số sách vào chung khảo đã được bạn đọc thế giới đón nhận. Đó có phải là một tiêu chí để hội đồng xét giải?
- Tiêu chí chấm giải dựa trên chất lượng của sách. Với sách đã được ghi nhận ở những giải thưởng quốc tế, bản thân tác phẩm đó đã có giá trị cao về nội dung. Khi tác phẩm đó được dịch sang tiếng Việt, với đội ngũ dịch tốt, sẽ chuyển tải giá trị sách tới bạn đọc trong nước.
Mặt khác, chúng ta cũng có những cuốn sách vươn ra chinh phục thế giới. Trên thực tế, một số sách đoạt giải năm nay đã được xuất bản ở các nước khác. Ví dụ, sách Chang hoang dã - Gấu đã được mua bản quyền để xuất bản ở 7 quốc gia. Hay cuốn Chuyện của anh em nhà Mem và Kya đã chạm tới rung cảm của bạn đọc các nước khác, được mua bản quyền để dịch sang Hàn Quốc, Nhật Bản.
https://zingnews.vn/diem-hoi-ngo-cua-nguoi-lam-sach-post1276710.html
(Nguồn tin: Zingnes.vn)