Chương I: Sơ lược lịch sử nghiên cứu ký sinh trùng ở động vật gặm nhấm
Giun sán thường là những động vật không xương sống ký sinh ở
hầu hết các lớp động vật. Người ta đã biết giun sán ký sinh có hại
cho sức khỏe con người từ thế kỷ 16, có tài liệu đã đề cập đến giun
đũa (Ascaris), sán dây (Taenia) ở người và sau đó là giun kim, giun
chỉ, trứng sán lá máu. Tuy nhiên, mãi đến nửa đầu thế kỷ 18. K.
Linnaeus (1746) - người cha của khoa học phân loại đã chia thế giới
động vật thành 6 lớp và gộp tất cả động vật không xương sống vào
lớp côn trùng - Insecta hoặc vào lớp giun - Vermes. Năm 1788,
Gmelin chia ra các giống: Ascaris, Trichocephalus, Filaria, Scolex,
Ligula, Strongylus, Echinorhynchus gồm 120 loài. Cuối thế kỷ 18
đầu thế kỷ 19 xuất hiện hàng loạt các nhà giun sán: Bloch, Goeze,
Zeder, Batsch, Schrank. Goeze (1782) phân chia giun sán thành các
lớp giun tròn và giun dẹp. Còn Zeder (1800) xác định chúng gồm 5
lớp: giun tròn, giun móc, sán lá, sán dây và Cystica có khoảng 391
loài. Cũng như Zeder, Rudolphi (1819) chia giun sán thành 5 lớp
bao gồm 981 loài thuộc 30 giống. Lớp giun tròn 355 loài, lớp sán lá:
220 loài, lớp sán dây 203 loài, lớp Cystica: 21 loài và lớp giun đầu
gai: 98 loài thuộc một giống. Ngoài ra, còn 92 loài chưa xác định
được vị trí phân loại.