Chương I. ĐẶC ĐIỂM LŨ LỤT DẢI DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG
Dải duyên hải miền Trung bao gồm
14 tỉnh thành phố (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa
Thiên - Huế, Đà Nang, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa,
Ninh Thuận và Bình Thuận) có tổng diện tích 95.520km2. Trải dài 10
vĩ độ địa lý (từ 10º34' đến 20º40' vĩ độ Bắc) và nằm trong
khoảng từ 106º đến 109º kinh
độ Đông, dải duyên hải miền Trung kéo dài tới 2.000km đường bờ biển và cong
hình chữ S. Vị trí địa lý trên xác nhận tính địa đới của khu vực là nhiệt đới
gió mùa Bắc bán cầu và thuộc khu vực gió mùa biển Đông - Thái Bình Dương. Khác
với các khu vực Bắc bộ và Nam bộ có tính đồng nhất cao, dải duyên hải miền
Trung là rìa đông của dãy Trường Sơn với sự đa dạng trong phân hóa phi địa đới
từ nham thạch, địa hình, khí hậu, thủy văn, sinh vật..., là nơi tương tác mạnh
mẽ của các quá trình biển và lục địa tạo ra đặc thù của các điều kiện tự nhiên
nơi đây, tính địa đới đan xen với tính địa ô và các tính chất phi địa đới khác.