Tai biến động đất và sóng thần
Cao Đình Triều
Hơn 255.000 người chết trong trận động đất ở Đường Sơn, Trung Quốc năm 1976 (Ms =7,7); khoảng 10.000 người chết ở thủ đô Mexico năm 1985 trong một trận động đất với Ms =8,1; 6.281 người chết cộng với thiệt hại ước tính khoảng trên 100 tỷ Đô la Mỹ tại Kobe năm 1995, v.v...; động đất thật sự là nỗi kinh hoàng và khiếp sợ của toàn nhân loại.
Các trận động đất mạnh xảy ra dọc các đới hút chìm sẽ gây ra sự dịch trượt đột ngột lớn bề mặt đáy biển, làm xáo động khối nước trên nó và gây nên sóng thần. Sóng thần được hình thành do nhiều nguyên nhân nhưng hầu hết các đợt sóng thần có sức tàn phá lớn đều được hình thành từ các trận động đất mạnh. Các đợt sóng này có thể di chuyển rất xa từ vị trí chúng được hình thành. Năm 1960 tại Chile, động đất 9,5 độ Richter gây ra vùng rộng lớn biến dạng bề mặt đáy biển, khoảng 1.000 km chiều dài, từ đó sinh ra sóng thần. Các ngọn sóng thần không những ập vào bờ biển Chile mà còn gây phá hoại nghiêm trọng tại Hawaii, Nhật Bản và nhiều nơi khác của vùng bờ Thái Bình Dương. Gần 289.000 người chết và mất tích trong trận động đất gây sóng thần ngày 26 tháng 12 năm 2004 tại Sumatra (Ms =9,0) thực sự là cú sốc lớn, làm thay đổi nếp suy nghĩ thông thường của các nhà quản lý và rằng chúng ta cần phải nghiêm túc suy ngẫm, có biện pháp tích cực hơn trong phòng chống loại thiên tai đặc biệt nguy hiểm: Động đất và động đất gây sóng thần.