Chương 4. NGHIÊN CỨU BIỂU HIỆN HOẠT ĐỘNG ĐỘNG ĐẤT VÀ BIỆN PHÁP GIẢM NHẸ ẢNH HƯỞNG TAI BIẾN ĐỘNG ĐẤT Ở VIỆT NAM
Các nhà địa chấn học phân ra hai loại động đất theo đặc trưng phân bố độ sâu chấn tiêu, đó là: động đất nông, có độ sâu chấn tiêu nhỏ hơn 60 km; và động đất sâu, có độ sâu lớn hơn 60 km.
Tại các đai động đất lớn của thế giới (vành đai Thái Bình Dương, vành đại Địa Trung Hải - Hymalaya, đai động đất Đại Tây Dương) động đất thường có độ sâu thay đổi rất lớn, từ sát trên bề mặt (khoảng 10 km) tới 600 - 680 km. Do nằm sát bề mặt đất nên động đất nông có mức độ phá hoại rất lớn.
Động đất trên lãnh thổ nước ta là động đất nông, vì vậy dù có cấp độ mạnh không lớn song mức độ phá hoại của nó lại rất đáng kể. Nhằm nghiên cứu, đánh giá mức độ phá hoại của động đất để có biện pháp thích ứng giảm nhẹ hậu quả của nó, cần tiến hành: Quan sát động đất; Nghiên cứu, đánh giá mức độ nguy hiểm của động đất; và tìm kiếm giải pháp kháng chấn cho nhà và công trình.
Trình độ về nghiên cứu động đất trên thế giới là không đồng đều, kể cả về mặt đầu tư tài chính, trang thiết bị và thành quả đạt được. Trong chương này tác giả chỉ tóm tắt một cách sơ lược về tình hình nghiên cứu động đất ở Việt Nam, đánh giá mức độ phá hoại của một số trận động đất đã xảy ra và kiến nghị một số biện pháp nhằm giảm thiểu rủi ro.
Cũng cần nói rằng, biểu hiện hoạt động động đất là hết sức phức tạp. Loài người đang cố gắng nghiên cứu nó và hiểu biết nó ngày càng một tốt hơn chứ không thể hiểu biết chính xác về nó. Vì vậy, những thông tin về động đất, về mức độ hoạt động, và đặc trưng phá hoại của nó cần được cập nhật thường xuyên.