Phong hóa nhiệt đới ẩm Việt Nam
Nguyễn Văn Phổ
Cũng như các nước thuộc miền nhiệt đới ẩm, ở nước ta quá trình
phong hóa phát triển rất mãnh liệt. Kết quả của quá trình phong hóa các đá
silicat đã tạo ra các sản phẩm đặc trưng với các kiểu vỏ phong hóa đa
dạng và phong phú về hình thái, cấu tạo, thành phần khoáng vật và thành
phần hóa học. Trong các kiểu vỏ này có các mặt cắt chứa các thành tạo
vón kết laterit, đá ong và có cả các mặt cắt chứa bauxit và sắt laterit.
Vỏ phong hóa ở nước ta là đối tượng đã được nghiên cứu từ rất sớm.
Những công trình nghiên cứu đầu tiên về vỏ phong hóa Việt Nam vào đầu
thế kỷ XX thuộc về các nhà địa chất và các nhà thổ nhưỡng học người
Pháp. Những công này chưa mang tính hệ thống, chủ yếu tập trung vào vỏ
phong hóa trên basalt và các thành tạo laterit. Blondel F. (1929) đã đưa ra
các kết quả phân tích thành phần hóa học, thành phần khoáng vật của đất
đỏ basalt trên các cao nguyên miền trung. Henry Y. (1931) cũng đã đề cập
đến các mặt cắt phong hóa trên basalt ở Phủ Quỳ (Nghệ An). Castagnol E.
M. và Phạm Gia Tu (1940) đã nghiên cứu quá trình laterit hóa trên các đá
khác nhau. Saurin E. (1958) cũng chủ yếu nghiên cứu về laterit. Ông đã đề
cập đến hai thời kỳ laterit hóa, đó là laterit hóa mức độ cao và laterit hóa
mức độ thấp. Berranger J. (1974) trong bài báo ngắn lần đầu tiên đã đề
cập đến vỏ phong hóa trên các đá basalt có chứa bauxit laterit.