Rong biển Quần đảo Trường Sa
Đàm Đức Tiến
Rong biển (seaweeds/macroalgae) là nhóm thực vật bậc thấp sống trong thủy vực nước mặn và lợ tại các vùng ven biển, cửa sông và các đảo xa bờ. Đây là nguồn tài nguyên quan trọng của nền kinh tế biển, mà tất cả các nước có biển đã, đang và sẽ rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi này.
Giá trị sử dụng trực tiếp của rong biển là làm nguyên liệu để tách chiết được nhiều loại chất, hợp chất như agar, alginate, carrageenan,… phục vụ cho các ngành công nghiệp: thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm,… có thể hấp thụ nhanh các chất ô nhiễm từ nước biển, góp phần cải tạo môi trường nước biển phục vụ du lịch, nuôi trồng các loài hải sản; là nơi đẻ trứng, nuôi dưỡng bảo vệ con non của rất nhiều loài hải sản,…). Ngoài ra, các thảm rong biển còn có giá trị sử dụng gián tiếp là hấp thụ CO2 dư thừa làm giảm hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu; cùng với san hô và trùng lỗ, một số loài rong biển góp phần hình thành các rạn và bảo vệ nền đáy trước tác động của bão lũ, sóng, dòng chảy,… và còn là sinh cảnh phục vụ du lịch.