PHẦN I. TỔNG QUAN VỀ HỆ THỐNG THÁC, GHỀNH VÀ TIỀM NĂNG DU LỊCH THÁC, GHỀNH Ở VIỆT NAM
Thác, ghềnh ở Việt Nam khá phong phú về số lượng (chủ yếu là các thác nước, trong đó trên 399 thác, ghềnh đã được mô tả ở các mức độ chi tiết khác nhau và trên 150 thác, ghềnh chưa có mô tả. Đây mới là các số liệu điều tra tổng hợp ban đầu, trên thực tế chúng có thể nhiều hơn) và đa dạng về cấu tạo hình thái. Chúng phân bố ở thượng nguồn của các sông, suối của các vùng trung du và miền núi trên địa bàn của 39/63 tỉnh và thành phố của cả nước. Trong số đó, một số thác đã được công nhận là các danh thắng cấp Quốc gia và cấp địa phương như thác Bản Giốc ở Cao Bằng, thác Gougah, thác Jráiblian, thác Liên Khương, Thác Prenn, thác Pongour ở Lâm Đồng, thác Ma Hao ở Thanh Hóa, thác Hầm Hô trong thắng cảnh Hầm Hô ở Bình Định,...; thác Trinh Nữ ở Đắk Nông dự kiến được xếp hạng di sản địa chất (vì thác gắn liền với các thành tạo đá bazan dạng cột rất đặc sắc và độc đáo). Một số thác đã và đang được khai thác sử dụng cho mục đích hoạt động du lịch từ đầu thế kỷ XX (chủ yếu là các thác ở xung quanh Tp. Đà Lạt) và số lượng chúng được khai thác sử dụng cho mục đích này ở nhiều nơi trên đất nước ta ngày càng tăng.