Sau khi Trung tâm Quảng bá Sách ở Mỹ Latinh và Caribe (CERLALC) công bố 88% nhà sách và đơn vị xuất bản ở khu vực này có doanh thu trung bình giảm 26% trong năm 2020, ông José Diego González - Giám đốc CERLALC - chia sẻ rằng trong môi trường văn hóa có tính cạnh tranh cao như hiện nay, đặc biệt ở thời điểm giãn cách, điều an ủi nhất đối với bạn đọc là được chiết khấu giá sách.
Giảm giá sách là một biện pháp giúp ngành xuất bản ở các quốc gia khu vực Mỹ Latinh thu hút độc giả giữa làn sóng đại dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các gói cứu trợ, đẩy mạnh phát hành ebook cũng nhằm đưa ngành sách thoát khỏi sự trì trệ.
Dịch bệnh khiến lượng độc giả đến hiệu sách giảm mạnh. Ảnh: Anabad.
Ảnh hưởng của đại dịch tới công tác xuất bản
Hai năm nay, Covid-19 diễn biến phức tạp ở hầu hết quốc gia trên thế giới. Các nước khu vực Mỹ Latinh không phải ngoại lệ. Chịu nhiều tác động từ đại dịch, doanh thu ngành xuất bản giảm mạnh. Đặc biệt, các hiệu sách gặp khó khăn lớn trong việc trả tiền thuê mặt bằng, lương và dịch vụ.
Sách không phải mặt hàng thiết yếu, lệnh giãn cách xã hội, các hiệu sách đóng cửa tạm thời… là những thử thách đối với giới làm sách.
Theo báo cáo của Hiệp hội Công nghiệp Xuất bản Quốc gia Mexico, doanh thu ngành xuất bản nơi đây giảm 30%. Báo cáo của Viện Sách Argentina cũng cho thấy doanh thu bán sách năm 2020 của họ giảm 19%.
Hội chợ sách quốc tế là sự kiện thường niên được tổ chức ở hầu hết quốc gia khu vực Mỹ Latinh. Giới xuất bản sẽ thu được nhiều kết quả tích cực từ những cuộc trao đổi, gặp gỡ và ký kết hợp đồng với người làm sách trên thế giới thông qua sự kiện này. Song, để đảm bảo công tác phòng dịch, một số quốc gia khu vực Mỹ Latinh phải hủy bỏ tổ chức Hội chợ sách quốc tế.
Việc giảm giá sách đã giúp giới xuất bản kích cầu được lượng độc giả ổn định hơn. Ảnh: Archivo/ El universal.
“Liều thuốc thổi hồn ngành sách”
Ởnhiều quốc gia như Venezuela, Colombia hay Mexico, Hội chợ sách quốc tế 2021 vẫn được tổ chức kết hợp giữa các hoạt động thực địa và trên môi trường số. Thông qua đó, giới xuất bản có thể quảng bá sách rộng rãi tới người dân.
Đối với một số người, dịch bệnh là cơ hội tốt để nhìn nhận sự hiện diện của sách và các sự kiện do giới xuất bản tổ chức. Việc Cuba hay Argentina không tổ chức Hội chợ sách quốc tế trong năm nay đã để lại tiếc nuối cho nhiều người. Nhưng cũng chính từ đó, người dân càng thấy được vai trò, sự cần thiết của sách trong đời sống, cũng như sự hiện diện thường niên của một sự kiện văn hóa lớn.
Công nghệ phát triển mang lại những lợi thế nhất định. Internet giúp kết nối, duy trì liên lạc giữa người làm sách và độc giả, giữa đơn vị xuất bản và các hiệu sách, thư viện. Nền tảng Zoom ra đời phục vụ hiệu quả cho các cuộc họp, giao lưu trực tuyến giữa đơn vị làm sách.
Nhiều người cho rằng trong thời điểm giãn cách, đọc sách là cách để thoát khỏi màn hình thiết bị điện tử thông minh, đồng thời giúp giải trí, thư giãn trước những thông tin tiêu cực về dịch bệnh.
Nhật báo của Argentina - Infobae Cultura - cho rằng không chỉ Hội chợ sách quốc tế, mà Hội chợ các nhà xuất bản quốc gia cũng là “liều thuốc thổi hồn ngành sách”. Đầu tháng 10 vừa qua, sự kiện này được tổ chức tại thủ đô Buenos Aires (Argentina), thu hút 16.000 người tham dự.
Bà Andrea Robles - đại diện nhà xuất bản IPS (Argentina) - cho biết kể từ khi đại dịch ập đến, đơn vị của bà đã giảm giá sách đồng loạt và chuyển nhiều đầu sách sang danh mục ebook, cho phép độc giả truy cập miễn phí.
“Cùng đó, chúng tôi làm phong phú xuất bản phẩm bằng cách đặt cược vào bản dịch của những ấn phẩm được đông đảo công chúng đón nhận trước đó. Nghĩa là, với một tác phẩm xuất sắc đã được minh chứng theo thời gian, chúng tôi tìm kiếm nhiều bản dịch khác nhau để phục vụ bạn đọc”, bà Andrea Robles nói.
Ông Santiago Kahn - đại diện nhà xuất bản La Parte Maldita (Argentina) - chia sẻ chính những hạn chế về lưu thông, đi lại đối với rạp chiếu phim, nhà hát, quán bar đã khiến sách có vị trí nhất định. Các hội chợ về sách và xuất bản không chỉ huy động người mua mà còn “kích thích sự xuất hiện của đơn vị xuất bản đến từ thành phố nhỏ”.
Xuất bản điện tử là bước đi giúp giới làm sách phục hồi trong đại dịch. Ảnh: Coputerhoy.
Sự trỗi dậy của xuất bản điện tử
Chịu ảnh hưởng của đại dịch nên doanh số sụt giảm, giới xuất bản Chile tập trung kêu gọi các đơn vị, cá nhân gây quỹ ủng hộ người làm sách. Điều tương tự cũng xảy ra ở Peru, khi các nhà tài trợ tiến hành mua sách số lượng lớn (cả sách giấy, ebook và audio book) để giảm gánh nặng cho các hiệu sách.
Ở một số quốc gia như Mexico, ngành xuất bản không nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ. Ông Juan Luis Arzoz Arbide - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Xuất bản Mexico - nhận định với thực trạng này, độc giả chính là mối liên kết hiệu quả nhất giúp tăng mức tiêu thụ toàn ngành. Để thực hiện điều đó, mạng lưới kết nối online là công cụ hữu ích hỗ trợ việc bán sách.
Ngoài ra, giới xuất bản Mexico còn tập trung triển khai chiến lược “chỉ xuất bản sách mới ở định dạng ebook và tạo ra nhiều audio book” với mong muốn phục hồi doanh số cho toàn ngành.
Vừa qua, Hội chợ sách quốc tế Venezuela 2021 đã thúc đẩy việc xuất bản một số lượng lớn tác phẩm ở định dạng kỹ thuật số. Tại đây, trang web của nhà xuất bản El Perro y La Rana và thư viện “Colombeia” - nơi lưu giữ những ấn phẩm mang giá trị lịch sử của dân tộc - cho phép độc giả tải miễn phí ebook theo nhu cầu.
Kết quả từ cuộc khảo sát tới 140 hiệu sách trên Argentina cho thấy thương mại điện tử năm 2020 chiếm gần 40% doanh thu của các hiệu sách, tăng 144% so với năm trước. Cũng trong tình hình đó, nhiều nhà xuất bản ở Mỹ Latinh quyết định giảm giá sách giấy và chuyển hướng sang xuất bản điện tử, đặt cược trên kinh doanh ebook.
Song, ông José Diego González - Giám đốc Trung tâm Quảng bá Sách ở khu vực Mỹ Latinh và Caribe - cho rằng để khôi phục phần nào thiệt hại của ngành, điểm quan trọng nhất là sự kết hợp giữa xuất bản truyền thống và điện tử. Đồng thời, các đơn vị xuất bản cần nâng cao ứng dụng công nghệ trong việc quản lý các kênh bán hàng trực tuyến và tương tác với độc giả.
https://zingnews.vn/nganh-xuat-ban-my-latinh-phuc-hoi-trong-dai-dich-post1279020.html
(Nguồn tin: Zingnes.vn)