Theo The Booksellers, cho đến nay, luật bản quyền đã phục vụ tốt cho các công ty xuất bản khi đưa ra quy định về việc xuất bản các tác phẩm, quyền của chủ sở hữu và cả vấn đề giấy phép xuất bản.
Toàn bộ mô hình kinh doanh xuất bản hiện tại dựa trên nguyên tắc là không được phép sao chép. Từ đó, các đơn vị liên quan trong ngành có thể thu được lợi nhuận từ khoản đầu tư vào các tác phẩm. Luật bản quyền cũng đang phát huy tốt để ngăn chặn các hành vi đạo nhái hoàn toàn và ăn cắp chất xám của con người để bảo vệ các chủ thể chính.
Tuy nhiên, hệ thống văn bản này chưa đề cập gì đến các tác phẩm do máy tính tạo ra (chủ yếu bằng cách sao chép, tổng hợp từ kho dữ liệu nguồn) và thiếu điều khoản để bảo vệ chủ sở hữu trong tình huống này.
AI đang tổng hợp và mô phỏng từ các tác phẩm sẵn có. Ảnh: The Verge.
Giải thích về quyền sao chép
Giải thích của The Bookellers cho biết quyền sao chép là quyền được sử dụng các tác phẩm gốc, có thể là sách, bài hát, phim hoặc tác phẩm nghệ thuật thị giác. Nhà xuất bản cần sở hữu bản quyền thông qua hợp đồng chính thức hoặc giấy phép từ tác giả. Ở cấp độ này, vấn đề rất dễ hiểu vì các bản sao vẫn giữ trọn vẹn văn bản gốc.
Tuy nhiên, mọi thứ trở nên phức tạp khi chỉ một phần của tác phẩm gốc được sao chép. Về vấn đề này, luật bản quyền có nêu: Bản quyền tác phẩm bị vi phạm khi một bản sao sao chép hoàn toàn hoặc bất kỳ phần “quan trọng” nào của tác phẩm đó.
Thuật ngữ khó nắm bắt này về cơ bản để lại một khoảng trống lớn. Các tòa án đã vật lộn để chứng minh thuật ngữ này trong nhiều năm và nhiều khi, phán quyết được đưa ra mang tính chất định tính thay vì định lượng. Khi nói đến một tác phẩm văn học, không chỉ một phần nhỏ của cuốn tiểu thuyết, thậm chí chỉ một vài câu cũng có thể là một phần quan trọng, nếu nó được chứng minh là có ý nghĩa đặc biệt.
Tuy nhiên, trong khi luật bản quyền bảo vệ nội dung tác phẩm, văn bản này dường như không bảo vệ được các ý tưởng hàm chứa trong văn bản, cũng như không thể bảo vệ được điều gì đó mơ hồ giống phong cách tác giả.
Theo nghĩa này, bản quyền không bảo vệ việc sao chép ý tưởng hay phong cách, mà chỉ nhằm ngăn chặn việc tạo ra một bản sao giống ấn bản ban đầu. Phải có một phần thực sự của tác phẩm gốc trong bản sao thì mới coi là vi phạm bản quyền.
Vì vậy, với một văn bản do AI tạo ra, câu hỏi là tác phẩm của AI có sao chép toàn bộ hoặc một vài phần quan trọng nào đó của tác phẩm gốc hay không. Có hai cách cơ bản mà luật bản quyền hiện hành có thể thực hiện việc này.
Chứng minh về sự hiện diện của văn bản gốc
Đầu tiên, nếu một AI được chứng minh là đã khởi tạo và lưu trữ một bản sao của ấn bản gốc và dùng nguồn dữ liệu này để tạo ra văn bản mới thì đây chính là hành vi vi phạm. Tuy nhiên, việc chứng minh được điều này hiện tại không phải là dễ dàng khi các công ty phát triển AI chưa công bố kho dữ liệu hay cách họ phát triển bộ nhớ cho AI của mình.
Việc chứng minh AI sử dụng những dữ liệu gốc nào hiện không dễ dàng. Ảnh: The Bookellers.
Cách thứ hai là khi AI sử dụng các đoạn, phần văn bản rõ ràng từ các tác phẩm gốc đã được giao dịch thương mại rộng rãi. Công chúng đã thấy nhiều sản phẩm của AI đang được tạo ra theo cách này. Đã có nhiều hình ảnh minh họa do AI vẽ ra bằng cách sao chép nhiều tác phẩm gốc và ghép chúng lại với nhau.
Tuy nhiên, ngoài những tình huống vi phạm thông thường, một câu hỏi lớn hơn là: Liệu toàn bộ tác phẩm do AI tạo ra có bị coi là vi phạm bản quyền không vì chúng đều phải tự động dựa vào các tác phẩm trước đó.
AI không thể tạo ra sự độc đáo thực sự như cách con người vẫn làm. Thay vào đó, AI dựa vào việc xử lý các văn bản, dữ liệu đã tồn tại để tạo ra thứ gì đó tương tự. AI có khả năng tạo ra một cuốn sách theo phong cách đặc biệt của một tác giả trước đó, nhưng AI sẽ làm điều đó bằng cách phụ thuộc mù quáng vào toàn bộ dữ liệu có trong các tác phẩm hiện có của họ.
Các mẫu văn bản, cách xây dựng câu, các từ và cách diễn đạt thông thường, thậm chí cả cấu trúc tường thuật đều được AI nhận dạng và sau đó sao chép. Tương tự vậy, một AI có thể tạo ra một cuốn sách phi hư cấu về bất kỳ chủ đề cụ thể nào bằng cách lấy lại nội dung từ các văn bản đã xuất bản.
Tuy nhiên, cách làm này của AI lại không vi phạm luật bản quyền hiện tại. Đơn giản vì trình tự chính xác của các câu, các từ là khác nhau. Nhưng giữa một làn sóng xuất hiện mới với rất nhiều tác giả AI, thì cách tiếp cận cũ về vấn đề bản quyền dường như là lỗi thời.
Để giải quyết tình trạng này thì các nhà làm luật dường như phải nhìn lại vấn đề về luật bản quyền. Bởi lẽ AI không thể tạo ra một tác phẩm nào nếu không có văn bản gốc. Cần phải đánh giá lại rằng dữ liệu nội tại trong các văn bản gốc đều có giá trị, điều mà trước khi có AI thậm chí thế giới chưa bao giờ được xem xét.
Thế giới sẽ cần đợi cho đến khi một vụ kiện bản quyền AI lớn được đưa ra xét xử. Cho đến lúc đó, ngành xuất bản phải tự bảo vệ mình tốt nhất có thể, bằng cách đưa vấn đề về AI vào trong các hợp đồng xuất bản.
(Nguồn tin: Zingnews.vn (https://znews.vn/ai-mang-toi-thay-doi-lon-cho-van-de-ban-quyen-post1441223.html))