Đây là kết quả của sự nỗ lực và tâm huyết vượt bậc của Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, Tổng Biên tập tạp chí và các thành viên Hội đồng biên tập, cộng tác viên, các tác giả, cùng với các chuyên viên Nhà xuất bản IOP. Tháng 12 năm 2015, Tạp chí ANSN được Thomson Reuters đánh giá và đưa vào danh sách các tạp chí SCI-E, trở thành tạp chí ISI đầu tiên của Việt Nam, với hệ số ảnh hưởng IF 1,581. Được Web of Science chỉ mục sau 6 năm xuất bản, là khoảng thời gian ngắn đánh giá từ bình diện chung quốc tế, đối với một tạp chí quốc tế. Tuy nhiên, tháng 12 năm 2016 ANSN bị rơi khỏi Web of Science, vì một số lý do liên quan tới kỹ thuật kiểm tra đạo văn/trùng lặp của bản thảo trước khi xuất bản các bài báo và tính quốc tế yếu/sự tham gia của nhiều thành viên người Việt trong Hội đồng biên tập. Đây thực là sự cố đáng tiếc và bất ngờ, cũng là bài học kinh nghiệm cho Tạp chí khi tham gia trong hệ thống các tạp chí quốc tế uy tín, cho thấy là khả năng rơi khỏi Web of Science có thể xảy ra với bất cứ một tạp chí SCI-E nào!
Nhận thức rõ vấn đề là cần phải tổ chức xuất bản theo chuẩn quốc tế để Tạp chí có thể tồn tại và phát triển trong môi trường xuất bản các ấn phẩm khoa học quốc tế có tính cạnh tranh cao, VS Nguyễn Văn Hiệu đã đề nghị Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bổ nhiệm GS Nguyễn Quang Liêm làm Tổng Biên tập Tạp chí để tiếp tục lãnh đạo công tác xuất bản của Tạp chí. Một số việc cần thiết đã được triển khai thực hiện một cách kiên trì và đồng bộ: nhiều nhà khoa học quốc tế giỏi được mời để bổ sung/mở rộng Hội đồng biên tập và để đóng góp bài báo tốt cho Tạp chí; các thành viên chủ chốt của Hội đồng biên tập được phân công trách nhiệm hợp lý; phần mềm chuyên nghiệp ScholarOne Manuscripts được sử dụng để kiểm soát tốt quy trình nhận bài, mời phản biện quốc tế, tương tác với tác giả liên hệ; phần mềm iThenticate được sử dụng để kiểm tra mức độ trùng lặp của bản thảo với các ấn phẩm đã xuất bản khác nhằm loại trừ đạo văn trước khi chấp nhận đăng bài; server được nâng cấp để phục vụ riêng cho Tạp chí;… Những cải thiện hợp lý trên đã giúp Tạp chí tiếp tục được duy trì trong hệ thống Scopus và công tác xuất bản đã thực sự chuyên nghiệp chuẩn quốc tế. Theo đánh giá của Scimago (https://www.scimagojr.com/journalsearch.php?q=21100286862&tip=sid&clean=0), chỉ số trích dẫn trên mỗi công bố của Tạp chí giảm năm 2016, nhưng tăng lại năm 2017 và tăng mạnh vào năm 2018 (xem chi tiết trên biểu đồ kèm theo). Năm 2018, chỉ số H (H index) của ANSN đạt 27, chỉ số trích dẫn cho các bài báo xuất bản trong 2 năm trước (tương đương IF trong Web of Science) đạt 2,706 và được xếp hạng Q1 trong nhiều lĩnh vực. Từ đầu năm 2019, ANSN được Nhà xuất bản IOP giới thiệu cùng gói với các tạp chí do IOP xuất bản tới 2.353 Viện nghiên cứu và các Trường đại học trên khắp thế giới, tạo điều kiện quảng bá ANSN rộng rãi hơn.
Những kết quả hoạt động tăng trưởng về chất lượng công bố và tính chuyên nghiệp quốc tế đã cho một hệ quả đáng mừng là tháng 1/2019 ANSN đã được Clarivate Analytics (hãng sở hữu ISI, trước đây đã sáp nhập vào Thomson Reuters, 2016 tách khỏi Thomson Reuters và hiện đang sở hữu Web of Science với các hệ thống đánh giá tạp chí ESCI, SCI, SCI-E, SSCI,..) xem xét đánh giá và chấp nhận đưa ANSN lại vào Web of Science, chính thức xuất hiện trong cơ sở dữ liệu của Web of Science dạng tạp chí mới nổi ESCI, sớm hơn 12 tháng so với thời hạn dự kiến thông thường. Như vậy, hiện nay có 3 Tạp chí của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được chỉ mục trong hệ thống Scopus và Web of Science (ESCI) là Advances in Natural Sciences: Nanosciences and Nanotechnology, Vietnam Journal of Mathematics, và Acta Mathematica Vietnamica.
Đích tiếp theo của ANSN là lại được chỉ mục trong danh sách các tạp chí SCI-E như đã từng đạt được năm 2015. Để đạt được điều này, cần có thời gian và sự cố gắng không ngừng nghỉ của Hội đồng Biên tập, sự đóng góp của các tác giả, sự quan tâm và hỗ trợ của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, sự phối hợp tốt với IOP Publishing,… Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ sẽ luôn tạo điều kiện tốt nhất để cùng với Tạp chí ANSN đi đến đích, xem như là sự đóng góp có ý nghĩa cho sự phát triển của khoa học và công nghệ Việt Nam nói chung và của ngành xuất bản nói riêng – đặc biệt là xuất bản tạp chí khoa học công nghệ quốc tế.
(Nguồn tin: nhà xuất bản)