Ông Phạm Tuấn Vũ, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành. Ảnh: YN.
Sách lậu, sách giả là một vấn nạn dai dẳng trong ngành sách. Trong thời đại công nghệ 4.0, khi ngành xuất bản đang bước từng bước trên nền tảng số, nạn sách lậu càng tràn lan, khó kiểm soát.
Nhận thấy công tác phòng chống sách lậu cần sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng, Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã quyết định cho ra mắt đường dây nóng ngăn chặn sách lậu (032 961 0717).
Theo ông Phạm Tuấn Vũ, Phó cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), đường dây nóng sẽ tiếp nhận những thông báo khẩn cấp từ người dân, sau đó gửi phản ánh đến cơ quan nhà nước và lực lượng chức năng về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền.
Để kịp thời phòng ngừa, xử lý sách lậu
- Thưa ông, thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã ngăn chặn sách lậu bằng những biện pháp nào?
- Trong thời gian qua, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã triển khai một số giải pháp mang tính cấp bách để ngăn chặn, xử lý mạnh nạn sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền.
Trước hết, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương tăng cường phối hợp với 63 đội liên ngành phòng chống in lậu ở địa phương và các cơ quan chức năng: Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Tổ công tác 304 (Tổng Cục Quản lý thị trường), Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông; Đội 814, Cục Quản lý Thị trường ở địa phương.
Chúng tôi đã phối hợp để thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động in, phát hành xuất bản phẩm lậu, đặc biệt là các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Năm qua, C03 đã bắt được một xưởng in giả đến 3,5 triệu bản sách giáo dục. Mở rộng công tác điều tra, C03 còn phát hiện thêm 11,5 triệu bản sách giáo dục in giả ở 5 tỉnh, thành phố.
Bên cạnh đó, Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương đã chủ động phối hợp các cơ quan quản lý thông tin điện tử, an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…
Chúng tôi nỗ lực đấu tranh, ngăn chặn các trang web, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, các nền tảng xuyên biên giới chào bán sách lậu, sách giả, vi phạm bản quyền. Ngay khi phát hiện ra, chúng tôi sẽ lập tức yêu cầu gỡ bỏ các trang này.
Ngoài ra, chúng tôi còn làm việc với các doanh nghiệp, chuyên gia nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào bảo vệ bản quyền, chống in lậu. Các nhà xuất bản được khuyến khích sử dụng tem chống giả và mã QR code trên các sản phẩm in để chủ động bảo vệ được sản phẩm của mình.
Công tác phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông cũng được đẩy mạnh, nhằm tuyên truyền các quy định của pháp luật nhằm nâng cao ý thức của doanh nghiệp và nhân dân, lan tỏa thông điệp: “In và phát hành sách lậu là tiếp tay cho hành vi ăn cắp trí tuệ, lao động của người khác; trực tiếp triệt tiêu động lực của người viết sách, làm sách”.
Sắp tới, chúng tôi sẽ đề xuất Luật hóa tội “in ấn sách lậu, sách giả” ngang với tội “xâm phạm sở hữu công nghiệp”, “làm hàng giả”.
Ông Phạm Tuấn Vũ
Cục Xuất bản, In và Phát hành cùng Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương cũng đã tham mưu Bộ Thông tin và Truyền thông, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 14/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản.
Những điều chỉnh, bổ sung này tăng cường chế tài xử phạt, góp phần răn đe, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu. Sắp tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành sẽ đề xuất Luật hóa tội “in ấn sách lậu, sách giả” ngang với tội “xâm phạm sở hữu công nghiệp”, “làm hàng giả”.
Đặc biệt, thời gian qua Cục Xuất bản, In và Phát hành đã tham mưu cho Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Quyết định số 2061/QĐ-BTTTT ngày 10/11/2022 về kế hoạch triển khai công tác phòng chống in lậu do Cục chủ trì quý IV năm 2022 và năm 2023.
Kế hoạch này đã đưa ra 6 nhiệm vụ cụ thể để triển khai quyết liệt trong thời gian tới, cụ thể sẽ tổ chức các hội nghị chuyên đề, xây dựng bộ nhận diện sản phẩm in lậu, in giả, vi phạm pháp luật và cùng các cơ quan chức năng, các đơn vị truyền thông tuyên truyền, phản ánh kịp thời các vụ việc vi phạm pháp luật.
Trong các giải pháp quyết liệt đó có việc cho thành lập một đường dây nóng để nhận các thông tin phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động xuất bản, in và phát hành.
- Cách thức thực hiện phản ánh và quy trình xử lý phản ánh qua đường dây nóng sẽ được thực hiện như thế nào?
- Đường dây nóng ngăn chặn sách lậu (Hotline 24/7) được thiết lập kênh riêng nhằm mục đích tiếp nhận những thông báo khẩn cấp, phản ánh của nhân dân nhanh chóng gửi đến cơ quan nhà nước và lực lượng chức năng về vấn nạn sách lậu, vi phạm bản quyền.
Ngoài ra, đường dây nóng còn là một hình thức tăng cường công tác quản lý, điều hành, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra ngay từ khi có dấu hiệu vi phạm để kịp thời phòng ngừa, xử lý hiệu quả. Trong công tác phòng chống sách giả thì phòng là chính. Vì vậy, ngay khi phát hiện đối tượng bắt đầu hành vi vi phạm, cần tìm đến và ngăn chặn ngay.
Cùng với Zing, Cục mong muốn các cơ quan báo chí khác tiếp tục tuyên truyền trong công tác đấu tranh chống in lậu.
Tôi xin lưu ý quy trình thực hiện cuộc gọi hotline ngăn chặn sách lậu như sau:
Trước khi gọi điện, người gọi phải tìm hiểu, sao chụp chứng cứ và các vấn đề liên quan để lưu trữ lại cho đến khi có bằng chứng vi phạm các quy định của pháp luật hoặc thông tin xác thực. Khi đã cảm thấy chắc chắn, gọi ngay tới đường dây nóng: 032 9610 717.
Trong khi gọi điện, người khiếu nại nên bình tĩnh, trình bày ngắn gọn, đủ ý, logic những gì đã biết, tương tác nhanh, gọn. Nếu được, hãy gửi định vị địa điểm có dấu hiệu nghi ngờ.
Sau đó, người gọi đừng vội tắt máy mà nên lắng nghe những chia sẻ của người trực tổng đài. Có thể người phụ trách sẽ xác minh lại thông tin và hướng dẫn những điều nên và không nên làm.
Hiện nay, vấn nạn in lậu rất phức tạp, các đối tượng làm sách lậu hoạt động tinh vi. Ảnh: M.H.
Cánh tay nối dài trong phòng chống sách lậu
- Việc ra mắt đường dây nóng có ý nghĩa như thế nào với công tác đấu tranh phòng chống sách lậu?
- Hiện nay, vấn nạn in lậu rất phức tạp, các đối tượng làm sách lậu hoạt động rất tinh vi. Việc phát hiện những hành vi vi phạm ấy sẽ cần đến cả sự hỗ trợ từ phía nhân dân. Lý do là hiện nay, có cơ sở thì nằm trong khu công nghiệp, nhưng hầu hết cơ sở các cơ quan quản lý đã phát hiện ra nằm sâu trong khu dân cư. Vì vậy, tai mắt của người dân là yếu tố quan trọng để giúp nhà nước và cơ quan chức năng phát hiện ra các đối tượng làm sách lậu. Cho nên, việc thiết lập một đường dây nóng 24/7 sẽ giúp chúng tôi nhiều trong công tác ngăn chặn sách lậu.
- Ông kỳ vọng gì vào sự hưởng ứng, chung tay của cộng đồng trong việc phòng chống sách lậu?
- Việc đấu tranh, ngăn chặn chống in lậu, vi phạm bản quyền và gian lận thương mại trong hoạt động xuất bản đòi hỏi sự quyết tâm vào cuộc không chỉ của cơ quan quản lý hoạt động xuất bản, mà còn cần sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan liên quan như Quản lý thị trường, công an và đặc biệt là sự chung tay, cùng nói không với sách giả, sách lậu của toàn xã hội.
"Tai mắt" của người dân là yếu tố quan trọng để giúp nhà nước và cơ quan chức năng phát hiện ra các đối tượng làm sách lậu.
Ông Phạm Tuấn Vũ
Hiện nay, lợi dụng mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội xuyên quốc gia, các trang web có tên miền ở nước ngoài, không ít đối tượng chào bán sách lậu, sách giả, sách tăng giá so với giá bìa, thậm chí là sách có nội dung sai trái, độc hại, vi phạm Điều 10 Luật Xuất bản.
Họ nâng giá sách, có khi lên gấp đôi, rồi dùng “chiêu” chiết khấu cao, giảm giá đến 70%, đánh lừa người tiêu dùng. Chúng tôi mong cộng đồng nhiệt liệt hưởng ứng giải pháp căn cơ này bằng hành động cụ thể. Nếu không ngăn chặn kịp thời và hiệu quả thì sách giả, theo nhiều người đã nói, có thể giết chết sách thật.
- Cục Xuất bản, In và Phát hành dự định triển khai gì để tiếp tục công tác ngăn chặn sách lậu?
- Thời gian tới, Cục Xuất bản, In và Phát hành và Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương sẽ triển khai đồng bộ một số giải pháp mang tính lâu dài để ngăn chặn sách lậu.
Trước hết, chúng tôi tập trung cao vào tham mưu xây dựng và hoàn thiện thể chế. Xác định quan điểm, định hướng đề xuất xây dựng Luật Xuất bản (sửa đổi, bổ sung), bãi bỏ các quy định pháp luật cho phù hợp với thực tế, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số quốc gia. Sau hội nghị Tổng kết 10 năm thi hành Luật xuất bản, chúng tôi đã có những kiến nghị sẽ trình Chính phủ, Quốc hội để sửa đổi luật.
Thứ hai, tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, tạo động lực phát triển ngành theo quan điểm mới, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số và hội nhập.
Thứ ba, tập trung các giải pháp về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, phát triển các thị trường sách mới.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, xác định hiệp hội là cánh tay nối dài, hỗ trợ triển khai các giải pháp quản lý bảo đảm hiệu quả, khả thi.
Cuối cùng, coi trọng bảo vệ thị trường xuất bản; đẩy mạnh phòng, chống in lậu, xâm phạm bản quyền sách trên không gian mạng.
https://zingnews.vn/ra-mat-duong-day-nong-ngan-chan-sach-lau-032-961-0717-post1388267.html
(Nguồn tin: Zingnews.vn)