Tới dự buổi lễ có Đ/c Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đ/c Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đ/c Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V; Các đồng chí đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành ở Trung ương và địa phương; Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông; Lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam; Các tác giả, đại diện các Nhà xuất bản, đơn vị liên kết có các ấn phẩm đạt giải,…
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng quan trọng, đóng góp vào sự phát triển của văn hóa, lan tỏa tri thức và bày tỏ mong muốn Giải thưởng Sách Quốc gia ngày càng có uy tín hơn, là cái nôi cho ngành xuất bản, để văn hóa Việt Nam ngày càng phát triển hơn. Toàn ngành xuất bản kế thừa truyền thống 70 năm, sẽ tiếp tục cho ra đời nhiều tác phẩm hay và đẹp hơn nữa, đó chính là bồi đắp di sản văn hóa của dân tộc.
Tham dự Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V có 48/57 nhà xuất bản tham gia với 298 tên sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách). Giải năm nay gồm 3 mức giải: Giải A, Giải B, Giải C được trao cho 5 mảng sách: chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; khoa học xã hội và nhân văn; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi.
Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ vinh dự được nhận Giải B cho cuốn sách “Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam” - tác giả Chu Hoàng Hà (Chủ biên), Phạm Bích Ngọc, Phan Trọng Hoàng, Udo Conrad, Hồ Thị Thương, Phạm Thị Vân, Vũ Huyền Trang và Giải C cho cuốn sách “Vật liệu Polymer Composite - Khoa học và Công nghệ” - tác giả: Trần Vĩnh Diệu, Hồ Xuân Năng, Phạm Anh Tuấn, Đoàn Thị Yến Oanh.
Đ/c Phạm Thị Hiếu – Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ và Đại diện Nhóm tác giả cuốn sách “Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam” nhận Giải B – Giải thưởng Sách Quốc gia lần thừ V do Đ/c Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đ/c Đỗ Tiến Sỹ - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV trao tặng
Cuốn sách “Công nghệ tạo vaccine cúm gia cầm từ thực vật: Từ nghiên cứu đến định hướng ứng dụng tại Việt Nam” do GS.TS. Chu Hoàng Hà (Chủ biên) cung cấp cho bạn đọc các kiến thức có hệ thống và chuyên sâu về công nghệ sản xuất kháng nguyên tái tổ hợp từ cây trồng của nhóm nghiên cứu do GS.TS. Chu Hoàng Hà và các nhà khoa học tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hợp tác với nhóm nghiên cứu của GS.TS. Udo Conrad tại Viện Di truyền Thực vật và Nghiên cứu cây trồng (IPK), CHLB Đức trong hơn 15 năm. Bắt nhịp với tốc độ nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tạo vaccine trong phòng chống virus cúm gia cầm, nhóm tác giả là những người tiên phong trong nghiên cứu và làm chủ được công nghệ sản xuất các kháng nguyên HA tái tổ hợp từ thực vật sử dụng công nghệ ADN tái tổ hợp, tạo nên các ứng viên tiềm năng để sản xuất vaccine phòng chống cúm gia cầm. Các ứng viên vaccine từ thực vật có tính mới cao về mặt công nghệ, hứa hẹn tạo nên các dạng sản phẩm vaccine đa dạng, kịp thời, có hiệu quả và giá thành hợp lý.
Nội dung cuốn sách gồm 8 chương: Chương 1 trình bày các thông tin và cập nhật về tình hình bệnh cúm gia cầm, virus cúm gia cầm, tình hình nghiên cứu của vaccine phòng bệnh cúm gia cầm trong nước và trên thế giới. Chương 2 giới thiệu các thông tin khái quát về hệ thống biểu hiện tạm thời, các phương pháp tách chiết, thu hồi và tinh sạch protein. Từ Chương 3 đến Chương 8, nhóm tác giả trình bày các kết quả của nhóm nghiên cứu trong việc tăng cường khả năng biểu hiện, hiệu suất tinh sạch và tăng cường hoạt tính sinh miễn dịch của protein HA tái tổ hợp từ thực vật. Các kết quả được trình bày trong cuốn sách cho thấy tiềm năng của việc sử dụng kháng nguyên HA tái tổ hợp từ thực vật và công nghệ biểu hiện tạm thời trong việc phát triển vaccine cúm gia cầm, đặc biệt đối với một nước đang phát triển với mô hình chăn nuôi không tập trung có nhu cầu lớn về vaccine cúm gia cầm như Việt Nam. Đồng thời, những kết quả mới này sẽ thúc đẩy việc tăng quy mô của quá trình sản xuất kháng nguyên HA từ thực vật và thực hiện các thí nghiệm công cường độc với virus với mục tiêu cuối cùng là có được công nghệ phù hợp để sản xuất vaccine cúm gia cầm hiệu quả.
Đ/c Đoàn Thị Yến Oanh - Phó Giám đốc Nhà xuất bản KHTN&CN và đại diện Nhóm tác giả cuốn sách “Vật liệu Polymer Composite - Khoa học và Công nghệ” nhận Giải C - Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ V do Đ/c Trần Thanh Lâm - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và Đ/c Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ năm trao tặng.
Cuốn sách “Vật liệu Polymer Composite - Khoa học và Công nghệ” được các tác giả Trần Vĩnh Diệu, Hồ Xuân Năng, Phạm Anh Tuấn, Đoàn Thị Yến Oanh xây dựng đề cương và hoàn thiện trong 02 năm sẽ cung cấp cho độc giả các kiến thức rất logic từ vật liệu nền, các sợi gia cường, các phụ gia công nghệ đến kỹ thuật chế tạo, các tính năng vật liệu, các phương pháp, kỹ thuật nghiên cứu, đo đạc, đánh giá theo tiêu chuẩn. Trong 16 chương của cuốn sách được chia làm ba phần. Phần thứ nhất mô tả vật liệu nền, cốt gia cường và các thành phần còn lại. Phần thứ hai trình bày kỹ thuật chế tạo vật liệu từ khâu thiết kế, khuôn mẫu đến quá trình tạo hình, tính chất, độ bền vật liệu, kỹ thuật đo và những khuyết tật gặp phải cũng như yêu cầu an toàn trong thi công và một chương dành riêng cho kỹ thuật tái chế. Phần thứ ba mô tả một số vật liệu composite tiên tiến. Hơn nữa nhiều thông tin mới về vật liệu và phương pháp nghiên cứu cũng như các kỹ thuật gia công chế tạo hiện đại đã được đưa vào cuốn sách. Chính vì vậy, tài liệu có giá trị khoa học và ý nghĩa thực tiễn.
Bên cạnh đó, các tác giả chọn lọc các nội dung khoa học, công nghệ mang tính thực tiễn, trong đó có nhiều kết quả nghiên cứu, kinh nghiệm triển khai thực tế của GS.TS. Trần Vĩnh Diệu được đưa vào cuốn sách. Riêng nội dung Chương 15 trình bày về nhóm composite cốt hạt, tập trung mô tả lần đầu tiên về công nghệ sản xuất đá trang trí nhân tạo, mang những thông tin rất quý báu, hiếm hoi dành cho các chuyên gia trong lĩnh vực này ở Việt Nam. Sách có thể được dùng làm tài liệu học tập và tham khảo cho các cán bộ nghiên cứu, sản xuất, thiết kế - chế tạo, các nghiên cứu sinh và sinh viên làm việc trong lĩnh vực này cũng như cho các độc giả khác có mối quan tâm tìm hiểu lĩnh vực chuyên sâu này.
(Nguồn tin: nhà xuất bản)