Sách "Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật". Ảnh: Thành Đông.
Theo thống kê của Tổ chức Thú y Thế giới, tính riêng tại Việt Nam, giai đoạn 2003-2020, có trên 2.782 điểm bùng phát dịch cúm do virus cúm gia cầm A/H5N1, hàng chục triệu gia cầm đã bị chết hoặc bị thiêu hủy. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới, giai đoạn 2003-2019, trên thế giới có 860 người mắc cúm A/H5N1, trong đó có 545 trường hợp đã tử vong, riêng Việt Nam có 127 ca mắc và 64 ca tử vong.
Tiêm phòng vaccine được xem là biện pháp hiệu quả bảo vệ sức khỏe người và vật nuôi chống lại virus cúm A. Sách Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật đưa ra những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, đặc biệt tập trung vào loại vaccine gốc thực vật.
Hướng nghiên cứu sản xuất tiềm năng
Virus cúm gia cầm A/H5N1 gây ra bệnh truyền nhiễm cấp tính với tốc độ lây lan nhanh, tỷ lệ gây chết cao trong đàn gia cầm bệnh.
Khi virus này tiến hóa, nó có thể làm thay đổi tính kháng nguyên, dẫn đến ảnh hưởng đáp ứng miễn dịch của gia cầm khi được tiêm phòng vaccine.
Việc nghiên cứu sản xuất vaccine là một nhiệm vụ quan trọng. Trong nhiều phương cách chế tạo vaccine, hướng nghiên cứu sản xuất từ thực vật dựa vào công nghệ biểu hiện tạm thời (agroinfiltration) đang được xem là hướng tiềm năng với nhiều ưu thế vượt trội như dễ rút ngắn quá trình sản xuất, tăng quy mô sản xuất, giảm công sức, chi phí và cung cấp kịp thời số lượng lớn trên diện rộng.
Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật là công trình của nhóm tác giả Chu Hoàng Hà và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong hơn 15 năm qua, nhóm đã thực hiện nhiều nhiệm vụ nghiên cứu với mục tiêu tạo ra các kháng nguyên HA của virus cúm A/H5N1, A/H7N9 trong tế bào thực vật cho định hướng tạo vaccine thế hệ mới phòng chống virus cúm A: Nghiên cứu sản xuất kháng nguyên HA của virus A/H5N1 có tính sinh miễn dịch cao bằng phương pháp biểu hiện tạm thời trên cây thuốc lá; Nghiên cứu tạo kháng nguyên tái tổ hợp của virus gây bệnh cúm H7N9 trong cây thuốc lá bằng phương pháp agroinfiltration phục vụ cho mục đích tạo vaccine thế hệ mới; Nghiên cứu biểu hiện protein HA polymer dung hợp IgM-Fc trong cây thuốc lá bằng phương pháp agroinfiltration.
Sách cung cấp những kiến thức tổng hợp từ nhiều nghiên cứu trước của nhóm, với nội dung chuyên sâu về các nghiên cứu thiết kế, biểu hiện, đánh giá hoạt tính sinh học và tính sinh miễn dịch, khả năng bảo hộ gà của kháng nguyên HA tái tổ hợp định hướng tạo vaccine thế hệ mới phòng chống virus cúm A.
Chủ động nguồn vaccine
Theo sách Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật, để ứng phó được với những tiến hóa của virus, ta cần ưu tiên chủ động nguồn vaccine. Khi có chủng virus mới xuất hiện, các nhà nghiên cứu sẽ nhanh chóng tìm được ra cách ứng biến, cung cấp đủ vaccine đáp ứng nhu cầu của cộng đồng.
Kể từ lần đầu tiên được ghi nhận trên gia cầm vào năm 1878 ở Italy, dịch bệnh cúm gia cầm liên tục tái phát hàng năm với tốc độ lây lan nhanh và diễn biến phức tạp, nhiều biến thể trên nhiều ký chủ khác nhau đã được phát hiện theo năm tháng.
Cho đến nay, có 2 biến chủng cúm A có cấu trúc kháng nguyên H5 và H7 được xem là loại có độc lực cao gây bệnh ở gia cầm và trên người, đã tạo nên nhiều chủng tái tổ hợp phân type như H5N1, H5N6, H5N8, H7N7, H7N3, H7N9…
Các nước châu Á với mô hình chăn nuôi không tập trung vô tình tạo điều kiện cho virus cúm lây lan. Trong tình hình nguy cơ dễ bùng nổ dịch bệnh cúm trên gia cầm ở Việt Nam, việc nghiên cứu biểu hiện các kháng nguyên của virus cúm A trong tế bào thực vật cho mục đích phát triển vaccine là rất cần thiết.
Mô hình chăn nuôi gà thả đồi ở Việt Nam. Ảnh: XTK.
Công nghệ tạo Vaccine cúm gia cầm từ thực vật bên cạnh yếu tố nhanh gọn, dễ sản xuất số lượng lớn, còn có độ an toàn cao.
Nhóm tác giả chia sẻ mong muốn rằng sách sẽ cung cấp cho độc giả những thông tin hữu ích về virus cúm, vaccine phòng bệnh do virus cúm, đặc biệt là hướng nghiên cứu phát triển vaccine phòng bệnh do virus cúm gây ra trên hệ thống thực vật.
Các nghiên cứu trong việc tăng cường khả năng biểu hiện, hiệu suất tinh sạch kháng nguyên, tính sinh miễn dịch và khả năng bảo hộ được nhóm tác giả trình bày đầy đủ, chi tiết qua các chương. Các kiến thức này cung cấp nguồn tài liệu tham khảo dồi dào cho người làm nghiên cứu sau này, đặt bối cảnh nhiều chủng virus có những biến hóa bất ngờ.
Khi lưu giữ nền tảng nghiên cứu chuyên sâu, các nhà nghiên cứu sẽ chủ động sản xuất hay điều chỉnh và phát triển vaccine hơn, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ sức khỏe cộng đồng tốt hơn. Sự chủ động này cũng sẽ trực tiếp làm giảm chi phí, giảm áp lực cho nền kinh tế, từ đó, hỗ trợ nền kinh tế phát triển, lại tạo điều kiện thực hiện những nghiên cứu mới, đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
https://zingnews.vn/che-tao-vaccine-cum-gia-cam-tu-thuc-vat-post1359179.html
(Nguồn tin: Zingnews.vn)