Trong vài năm gần đây, Hà Nội nở rộ các hội sách. Tháng 4, Hội sách mừng Ngày Sách Việt Nam do Bộ Thông tin và Truyền thông và Cục Xuất bản tổ chức ở công viên Thống Nhất; Hội sách Quốc tế tổ chức hai năm một lần vào mùa thu ở công viên Thống Nhất (trước đây tổ chức ở Triển lãm Giảng Võ); tháng 10, Hội sách Hà Nội ở Hoàng thành Thăng Long do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức.
Khoảng 5 năm nay, 3 nhà xuất bản: Trẻ, Phụ Nữ, Kim Đồng cùng thực hiện hội sách tại không gian bảo tàng Phụ Nữ Việt Nam vào hai mùa xuân và mùa thu. Đó là còn chưa kể các hội sách cũ tổ chức thường kỳ ở Hồ Văn, đó là chưa kể các hội sách do những đơn vị xuất bản, phát hành tự đứng ra thực hiện.
Làm hội sách để quảng bá cho sách và xuất bản
Trước câu hỏi tại sao tổ chức nhiều hội sách như vậy, ông Nguyễn Ngọc Bảo - Phó Cục Trưởng Cục Xuất Bản - cho biết, làm hội sách trước tiên để quảng bá cho sách và hoạt động xuất bản. “Sách ra mắt hàng năm rất nhiều, nhưng sự quảng bá chưa mạnh. Các đơn vị tự làm cũng rời rạc, chưa tạo nên tổng thể để quảng bá mạnh. Chúng tôi mong muốn hội chợ, hội sách được thực hiện thường xuyên hơn, tạo cầu nối giữa các đơn vị xuất bản với nhau, giữa đơn vị xuất bản với bạn đọc. Quan trọng nhất, đây là sự kết nối xuất bản với thị trường”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Dù tổ chức ở không gian rộng là công viên, các hội sách vẫn luôn thu hút được nhiều bạn đọc.
Mỗi hội sách có một đặc trưng riêng. Nếu Hội sách Mừng Ngày Sách Việt Nam thực hiện để tuyên truyền, thúc đẩy văn hóa đọc, quảng bá xuất bản phẩm, thì Hội sách Hà Nội nhằm tạo nét đẹp văn hóa của thủ đô; Hội sách Mùa xuân, Hội sách Mùa thu là sân chơi của 3 nhà xuất bản uy tín, Hội sách Cũ là nơi giao lưu, trao đổi những người yêu sách cũ, săn tìm sách quý. Hội sách Quốc tế có sự tham gia của các đơn vị xuất bản, phát hành nước ngoài, với các hoạt động chủ yếu là giới thiệu, giao dịch bản quyền, hội thảo quảng bá xuất bản phẩm.
Nhiều năm nay, 3 nhà xuất bản Trẻ, Kim Đồng, Phụ Nữ đã tổ chức hội sách riêng lấy tên Hội sách Mùa thu. Tuy nhiên, hội sách này có quy mô nhỏ, trong một khoảng không gian cố định là sân bảo tàng Phụ Nữ. Nhiều nhà xuất bản, đơn vị phát hành muốn có một hội sách quy mô lớn hơn vào dịp này, nên cùng nhau thực hiện Hội sách Mùa Thu tại Công viên Thống Nhất từ 22/8 tới 26/8 tới.
Sở dĩ hội sách này cũng lấy tên là Hội sách Mùa thu, theo ông Ngọc Bảo, bởi chương trình tổ chức vào thời điểm đặc trưng, dịp chào mừng Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9. Tuy nhiên, nếu lấy đủ tên chào mừng như vậy sẽ rất dài, nên rút gọn tên lại thành “Hội sách Mùa thu”.
Hội sách Mùa thu là hoạt động văn hóa. “Chúng tôi mong muốn tạo một mặt bằng cố định, hàng năm vào thời điểm đó sẽ có hoạt động văn hóa như vậy, để bạn đọc có nhu cầu có thể đến mua sách. Đây là điểm hẹn để nhà xuất bản, phát hành, bạn đọc trao đổi, giao lưu. Đây là mục tiêu cao nhất mà Ban tổ chức hướng tới”, ông Nguyễn Ngọc Bảo nói.
Giới xuất bản và bạn đọc luôn hào hứng với hội sách
Làm hội sách không chỉ để tuyên truyền, quảng bá cho hoạt động xuất bản, thúc đẩy văn hóa đọc. Để thực hiện được hội sách, chi phí bỏ ra không nhỏ. Hội sách mừng Ngày Sách Việt Nam chúng ta còn có ngân sách Nhà nước.
Nếu tổ chức trong không gian nhỏ như sân bảo tàng, thì hội sách luôn trong tình trạng chen chúc, quá tải.
Hội sách Mùa thu tới đây là một hoạt động xã hội hóa. Nếu như Hội sách mừng Ngày Sách Việt Nam, Nhà nước có chi ngân sách để thực hiện (dù khoản ngân sách này hầu hết chỉ đủ dùng cho lễ khai mạc), thì Hội sách Mùa thu này, các đơn vị tham gia tự chi phí. Ngay từ năm đầu tiên thực hiện, quan điểm của Cục Xuất bản đưa ra là toàn bộ kinh phí tổ chức từ thuê địa điểm đến các sự việc liên quan đều không dùng một đồng ngân sách nào.
2018 là năm thứ 3 thực hiện, Hội sách Mùa thu phát triển với khoảng 50 đơn vị xuất bản, phát hành tham gia. Trong đó, có cả những đơn vị từ miền Nam, miền Trung dự hội. Điều đó chứng tỏ các đơn vị xuất bản, phát hành luôn có nhu cầu thực hiện hội sách. Đó không chỉ là nơi bán sách như hình thức thương mại, mà còn là dịp để giao lưu với những người làm sách khác, là cơ hội tiếp cận, tri ân độc giả.
Về phía độc giả, dù có nhiều hội sách liên tiếp như vậy, nhưng mỗi lần diễn ra là một lần sự kiện đông vui, tấp nập theo đúng nghĩa một ngày hội. Tháng 8/2017, Hội sách Quốc tế tại công viên Thống Nhất dù nhiều lúc trời mưa tầm tã, thời tiết thất thường nhưng lượng người tham dự vẫn quá tải. Lượng sách phục vụ bạn đọc tại hội sách này gần 10 triệu bản, với doanh thu khoảng trên 10 tỷ đồng. Các hội sách Mùa xuân, Hội sách Mùa thu tổ chức trong không gian nhỏ nên thường xuyên trong tình trạng người chen chân.
Sở dĩ các nhà sách ngày một to đẹp, các kênh bán sách online ngày càng tiện lợi, song độc giả vẫn có nhu cầu tới hội sách, bởi ở đó không chỉ có hoạt động mua bán sách. Các đơn vị thường dành nhiều cuốn sách hay để ra mắt đúng dịp hội sách. Dự hội sách, độc giả có dịp giao lưu với tác giả, dịch giả, chuyên gia sách. Bên cạnh đó, tới hội sách, độc giả luôn được mua sách với giá ưu đãi.
(Nguồn tin: https://news.zing.vn/tai-sao-ha-noi-co-nhieu-hoi-sach-post870428.htmlTại sao Hà Nội có nhiều hội sách?)