Tham dự Hội nghị có Đ/c Võ Văn Phuông - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Đ/c Hoàng Vĩnh Bảo – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Lãnh đạo Thành phố Cần Thơ, Cục Xuất bản, In và Phát hành; đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản (NXB), đơn vị liên kết trong ngành xuất bản Việt Nam.
Theo báo cáo chính thức tại Hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành Xuất bản đã nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với 174.671.000 bản (vượt 16% so với cùng kì năm 2017) trong dó: sách giấy có 15.650 cuốn với 165.215.000 bản; sách điện tử có 19 xuất bản phẩm với 176.000 lượt phát hành; xuất bản phẩm khác (tranh ảnh, bản đồ, đĩa, tờ rơi, tờ gấp, lịch) có 300 loại với 8.990.000 bản; tài liệu không kinh doanh có 35 tài liệu với 290.378 bản. Các nhà xuất bản đã chủ động khai thác, xuất bản nhiều xuất bản phẩm phục vụ nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của bạn đọc với nhiều loại đề tài khác nhau. Có nhiều cuốn sách có nội dung tốt, mang tính thời sự, cấp thiết được xuất bản.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, Hội nghị cũng thẳng thắn nhìn nhận và chỉ ra một số vấn đề còn tồn tại như:
+ Vấn đề nhân sự lãnh đạo và cơ cấu tổ chức nhà xuất bản: Một số nhà xuất bản chậm trễ trong việc bổ nhiệm chức danh lãnh đạo nhà xuất bản hoặc chưa thực hiện đúng quy định miễn nhiệm chức danh lãnh đạo nhà xuất bản theo Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 26/01/2010 của Ban Bí thư.
+ Vấn đề nội dung xuất bản phẩm: Vi phạm tập trung ở một số điểm như: Nội dung sách viết về sự kiện lịch sử nhưng không được kiểm chứng hoặc không chính xác, đưa nhận định về đời sống xã hội, chính sách tôn giáo không phù hợp, không khách quan; phản ánh không khách quan về các cuộc chiến tranh chông quân xâm lược của dân tộc ta, về tình hình đất nước sau giải phóng, đánh giá-nhận định sai lệch về người chiến sĩ cách mạng,…
+ Vi phạm khác: Số lượng xuất bản phẩm còn sai sót về câu chữ, chính tả vẫn còn; còn xảy ra tình trạng chưa nghiêm túc thực hiện các quy định về bản quyền dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.
Hội nghị cũng đã đưa ra một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2018 như:
+ Với cơ quan quản lý nhà nước: cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến và triển khai đồng bộ các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tới các chủ thể tham gia hoạt động xuất bản; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan triển khai đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách cho hoạt động xuất bản, theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW và Thông báo kết luật số 19-TB/TW của Ban Bí thư; tăng cường công tác thanh, kiểm tra trong hoạt động xuất bản, phát hành để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật,…
+ Với các nhà xuất bản: cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó đặc biệt chú trọng đến quy trình đăng ký xuất bản, quy trình biên tập và đọc duyệt nội dung; tập trung xuất bản các xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị của đất nước; đẩy mạnh công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ biên tập và cán bộ quản lý xuất bản; chủ động nghiên cứu, đề xuất với cơ quan chủ quản về việc chuyển đổi mô hình hoạt của nhà xuất bản phu hợp với tình hình cụ thể của đơn vị và đúng quy định pháp luật, theo tinh thần chỉ đạo của Đảng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị TW VI khóa XII.
Đồng chí Trần Văn Sắc-Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Khoa học tự nhiên và Công nghệ tham gia sự kiện này!
(Nguồn tin: nhà xuất bản)