Sáng 3/8, Hội nghị giao ban công tác xuất bản 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra tại Cần Thơ. Hội nghị do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì cùng Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Xuất bản Việt Nam. Hội nghị có sự góp mặt của đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Hội Xuất bản Việt Nam; đồng thời quy tụ đại diện lãnh đạo các nhà xuất bản (NXB), đơn vị liên kết trong ngành xuất bản Việt Nam.
Ông Võ Văn Phuông, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, chủ trì hội nghị. Theo báo cáo chính thức của hội nghị, trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn ngành xuất bản nộp lưu chiểu 16.004 xuất bản phẩm với gần 174,7 triệu bản ấn phẩm. Trong đó, sách giấy chiếm ưu thế hoàn toàn với 15.650 xuất bản phẩm (đầu sách) và hơn 165,2 triệu bản, sách điện tử là 19 xuất bản phẩm với 176.000 bản. Bên cạnh đó là các xuất bản phẩm khác như tranh ảnh, bản đồ, lịch... gồm 300 loại với gần 9 triệu bản. Còn lại là các tài liệu không kinh doanh.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo (phải), Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, điều phối hội nghị. Bộ Thông tin và Truyền thông luôn thực hiện nguyên tắc phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng hoạt động cho các NXB, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất bản.
Bà Hoàng Thị Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Tại hội nghị, bà Hoa cũng khẳng định sẽ lắng nghe các ý kiến từ ngành xuất bản để trình lên Quốc hội. Bà nhận định sau 6 năm ban hành Luật Xuất bản 2012, ngành xuất bản đã có những tiến bộ rõ rệt, dù vẫn còn những tồn tại đã được thẳng thắn nêu ra.
Ông Vũ Đình Thường, Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, phát biểu khai mạc hội nghị. Hội nghị là dịp để ngành xuất bản điểm lại những thành tựu và tồn tại trong 6 tháng đầu năm, với phần thảo luận, bày tỏ ý kiến sôi nổi của các lãnh đạo đơn vị xuất bản. Đây cũng là cơ hội để chia sẻ tâm tư của giới làm nghề về các khó khăn vướng mắc, hướng đến những giải pháp chung, giúp giữ vững lửa nghề.
Ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho biết: “Đầu năm 2018, ngành xuất bản đã gây được nhiều tiếng vang trong xã hội với nhiều cuốn sách có nội dung tốt, mang tính thời sự, cấp thiết như tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam, bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển du lịch, phát triển công nghệ số và sách về các sự kiện chính trị, đối ngoại quan trọng của đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn những ấn phẩm xuất bản kém, điều này là do năng lực lãnh đạo”. Ông Hòa cũng lưu ý một số trường hợp vi phạm của xuất bản phẩm được xử lý đầu năm 2018. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm, có 48 xuất bản phẩm bị xử lý.
Ông Nguyễn Nguyên, Phó Vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản, điểm tên những ấn phẩm xuất bản có nội dung tốt trong 6 tháng đầu năm về các chủ đề giá trị như hướng đến những dịp kỷ niệm lớn của đất nước, bảo vệ chủ quyền biển đảo, các công trình nghiên cứu lịch sử, các hồi ký và tiểu thuyết lịch sử, các công trình nghiên cứu khoa học công nghệ và kinh tế, hướng đến hội nhập và phát triển kinh tế, các tác phẩm văn học kinh điển và hiện đại, sách thiếu nhi nhằm giáo dục và bảo vệ trẻ em trong thời đại mới… Ông Nguyên cũng nhấn mạnh sự phát triển của dòng sách về công nghiệp 4.0.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, nêu các mục tiêu của xuất bản Việt Nam hiện nay. Đó là phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam, đặc biệt là trong lứa tuổi học sinh, hiện nay số lượng đầu sách trên số dân vẫn còn thấp; phát triển nền xuất bản lành mạnh; nâng cao năng lực đội ngũ làm xuất bản, đầu tư cho con người… Ông Hoàng cho biết Hội Xuất bản sẽ góp phần tạo ra môi trường xuất bản lành mạnh để các NXB, đơn vị liên kết có điều kiện để cho ra đời những ấn phẩm chất lượng hơn. Ông Hoàng cũng dành lời khen cho hoạt động tuyên truyền về sách và văn hóa đọc trên các phương tiện thông tin truyền thông, trong đó có Báo điện tửTri Thức trực tuyến (Zing.vn) với các hoạt động truyền thông sách và Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ nhất vào tháng 4 vừa qua.
Ông Phạm Chí Thành, quyền Giám đốc - Tổng Biên tập NXB Chính trị quốc gia Sự thật, đề xuất Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo, định hướng cho các nhà xuất bản về những yêu cầu mới, thông tin mới qua từng kỳ Đại hội Đảng, để giới làm nghề tránh gặp phải sai phạm.
Ông Nguyễn Minh Nhựt, Giám đốc NXB Trẻ, đề nghị trước hội nghị 3 điều. Thứ nhất, đầu tư mạnh hơn nữa với những ấn phẩm từ kế hoạch A (NXB tự xuất bản), trong khi vẫn duy trì và khuyến khích các ấn phẩm từ kế hoạch B (phương thức liên kết xuất bản). Thứ hai, sớm thảo luận và ban hành chiến lược sách quốc gia. Thứ ba, truyền thông sách và phê bình sách là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Quang Thiều, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, thừa nhận cái tên NXB Hội Nhà văn thường vang lên trong các cuộc họp của ngành xuất bản từ góc độ “buồn phiền” vì những ấn phẩm gây tranh cãi trong dư luận. Nhưng ông khẳng định các sáng tác văn học thường đa nghĩa, đa diện, mang tính dự cảm, dự báo về đời sống xã hội, nên những tranh cãi này sẽ khó dừng lại. Với tư cách một nhà thơ và cũng là nhà quản lý ngành xuất bản, ông Thiều kể về nhiều mâu thuẫn và đấu tranh giữa hai vai trò đó.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc NXB Phụ nữ, quan tâm đến công tác vận hành các phố sách, đường sách ở Hà Nội và Vũng Tàu. Bà Phượng cho rằng việc quản lý hai công trình này hiện nay được giao cho các đơn vị chưa phù hợp và am hiểu ngành xuất bản nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, các hội sách được tổ chức ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM nên có nhiều hoạt động mang tầm quốc tế, trong đó có các giao dịch bản quyền, thay vì chỉ có hoạt động chủ yếu là bán sách như hiện nay.
Ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc NXB Văn học, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác biên tập trong việc rà soát, chỉnh sửa nội dung xuất bản phẩm để có những tác phẩm không bị lệch chuẩn, loạn chuẩn. Đồng thời, biên tập viên (BTV) cũng là những người lựa chọn tác phẩm, định hướng các dòng sách phù hợp với nhu cầu độc giả. Ông Vũ khẳng định vai trò của tác giả là rất quan trọng, nhưng công tác biên tập cần được các NXB chú trọng hơn. “Sức ép từ độc giả, dư luận và truyền thông, đặc biệt trong thời mạng xã hội, là rất lớn. Các BTV cần hoàn thiện năng lực chuyên môn và phẩm chất để đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp”, ông Vũ nhận định.
Bà Đinh Phương Thảo, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Văn Hóa Văn Nghệ, nêu ý kiến các NXB nên đoàn kết với tinh thần “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Chẳng hạn, trong các kỳ hội sách, nếu không đủ nguồn lực, NXB Văn Hóa Văn Nghệ và các đơn vị khác đã liên kết để cùng tổ chức gian hàng.
Ông Lê Hữu Thành, Giám đốc NXB Khoa Học Xã Hội, lưu ý ngành xuất bản về việc tiếp nhận ý kiến dư luận, nhất là qua mạng xã hội, về một số đầu sách thời gian qua. Ông cho rằng nhiều độc giả nêu ý kiến trên mạng nhưng chưa hề đọc sách hay có hiểu biết sâu về ấn phẩm, khiến ngành xuất bản phải cân nhắc và chọn lọc khi tiếp thu ý kiến dư luận về sách.
Sau phần thảo luận, đề xuất sôi nổi giữa các nhà xuất bản, ông Hoàng Vĩnh Bảo - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam - phát biểu tổng kết các ý kiến. Ông đề cập đến vấn đề trách nhiệm của các NXB khi liên kết xuất bản với công ty tư nhân, vấn đề nhân sự của các NXB. Ông Bảo cho rằng cần chấn chỉnh việc phân công nhân sự, các cơ quan chủ quản cần nắm rõ hơn tình hình ngành xuất bản, từ đó mới có các giám đốc và đội ngũ biên tập viên có năng lực tốt, giúp hạn chế sai phạm trong tương lai.
Kết luận hội nghị, ông Võ Văn Phuông - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương - nhận định: “Thời gian hội nghị khá ngắn nhưng rất thành công. Các đại biểu đã xây dựng tham luận có trọng tâm và nêu lên cách nhìn gai góc về những vấn đề nổi bật hiện nay. Các đại biểu cũng đưa ra những đề xuất cần thiết cho nền xuất bản thời gian tới, đồng thời cũng chân thành chia sẻ tâm tư, suy nghĩ về các tồn tại để hội nghị tránh sa vào ca ngợi thành tích”. Ông Phuông nhận xét nền xuất bản đã tập trung hoàn thành những nhiệm vụ đề ra trong hội nghị toàn ngành đầu năm nay ở Huế. Ông đặc biệt đánh giá cao việc các NXB vẫn duy trì được số lượng xuất bản phẩm trong bối cảnh sức mua giảm.
Người chủ trì hội nghị cũng lưu ý giới xuất bản vẫn còn tồn tại những hạn chế trong công tác quản lý, nhất là trong khâu liên kết xuất bản. Liên kết là hình thức huy động nguồn lực xã hội để giúp cho nền xuất bản phát triển năng động hơn trong những năm qua, nhưng có một bộ phận ra vào thương mại hóa và gây tác động tiêu cực đến việc phát triển văn hóa đọc. Ông Võ Văn Phuông đề nghị các NXB tìm ra giải pháp để có một nền xuất bản lành mạnh hơn.
(Nguồn tin: https://news.zing.vn/6-thang-dau-nam-nganh-xuat-ban-viet-nam-in-165-trieu-ban-sach-giay-post865677.html)