Tôm, cua nước ngọt là một thành phần quan trọng trong khu hệ động vật, thuỷ vực nước ngọt nội địa trên thế giới. Về mặt khoa học, tôm, cua nước ngọt thể hiện một mặt đa dạng sinh học của môi trường thiên nhiên trên đất liền, là đối tượng nghiên cứu của phân loại học động vật học, thuỷ sinh học, địa lý sinh vật và địa động vật học, chỉ thị sinh học cho tình trạng môi trường thuỷ vực nội địa hiện nay, đồng thời cũng đang là các đối tượng của hoạt động bảo tồn thiên nhiên trên đất liền.
Về mặt thực tiễn, tuy sản lượng hàng năm không cao bằng tôm, cua biển, song đây cũng là một nguồn thực phẩm thuỷ sản có giá trị dinh dưỡng cao, là loại thực phẩm truyền thống được người dân sử dụng hàng ngày.
Nghiên cứu tôm, cua nước ngọt thế giới đã có từ rất sớm ở các nước châu Âu, và cũng đã bắt đầu ở các nước châu Á từ những năm giữa thế kỷ XIX. Tuy nhiên, với sự phát triển của phân loại học động vật, với những cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu ngày càng được nâng cao, phạm vi nghiên cứu ngày càng được mở rộng, cho tới nay hệ thống phân loại tôm, cua nước ngọt đã có nhiều thay đổi so với giai đoạn đầu. Hàng loạt taxon mới, đặc biệt là ở bậc giống, loài đã được phát hiện, xác lập, mô tả, góp phần thúc đẩy, hoàn thiện nội dung nghiên cứu phân loại tôm, cua nước ngọt thế giới.
Ở Việt Nam, nghiên cứu tôm, cua nước ngọt đã bắt đầu từ những năm cuối thế kỷ XIX, được đẩy mạnh từ những năm 70 của thế kỷ XX.
Tuy vậy, cho tới nay, chưa thể coi là đã đầy đủ. Một số công trình nghiên cứu đã được công bố về tôm, cua nước ngọt miền Bắc Việt Nam, và gần đây cả ở miền Nam Việt Nam song vẫn chưa có được công trình mang tính chuyên khảo tập hợp được các kết quả nghiên cứu về tôm, cua nước ngọt trên toàn lãnh thổ Việt Nam, trước hết là về thành phần loài, phân loại học, đặc trưng phân bố.