Hoạt động magma và sinh khoáng nội mảng miền Bắc Việt Nam
Trần Trọng Hoà - Chủ biên, Polyakov G.V., Trần Tuấn Anh, Borisenko A.S., Izokh A.E., Balyakin P.A., Ngô Thị Phượng, Phạm Thị Dung
Nghiên cứu hoạt động magma nội mảng với tiêu chí tái lập bối cảnh địa động lực và phân tích sinh khoáng nội sinh liên quan với chúng có ý nghĩa khoa học và thực tiễn quan trọng. Nó cho phép đánh giá vai trò của các quá trình manti sâu cũng như mối tương tác manti - vỏ trong việc hình thành và phát triển các đới rift nội lục hiện đại, các đới va chạm và dịch trượt lớn kèm theo sự hình thành các hệ magma - quặng có triển vọng về các kiểu quặng hóa khác nhau, trong đó có vàng (Au), Cu-Au, các kim loại quý hiếm nhóm platin (PGM), đất hiếm và phóng xạ (REE-U-Th), ruby - saphir ...
Biểu hiện rõ rệt nhất của hoạt động magma nội mảng là các tỉnh thạch học lớn trên lãnh thố châu Á vào giai đoạn Permi - Trias [Dobresov, 1997; Nikishin et al., 2002] liên quan tới plume manti. Hoạt động magma plume của giai đoạn này thể hiện trên những vùng rộng lớn của châu Á dưới dạng các hoạt động magma nguồn rift và trap (craton Siberi, tỉnh thạch học lớn Emeishan - ELIP) và đã được nghiên cứu khá tốt ở các khu vực này. Hoạt động magma nội mảng Permi - Trias cũng như các giai đoạn magma nội mảng khác ở Việt Nam còn ít được quan tâm nghiên cứu về tiêu chí nhận dạng và xác định vai trò của chúng trong lịch sử tiến hóa địa động lực của lục địa Đông Nam Á cũng như phân tích sinh khoáng nội sinh liên quan.