Đặc điểm biến động các yếu tố tự nhiên và môi trường vùng biển Nam Việt Nam
Bùi Hồng Long - Chủ biên, Phan Minh Thụ
Để mở đầu chúng tôi xin mượn lời của cố bác học Stephen Hawkin, nhà vật lý lý thuyết và thiên văn vũ trụ nổi tiếng nhất (vĩ nhân) của thế kỷ XX (có thể cả thế kỷ XXI) sau Albert Einstein nói về sự vô cùng (không có điểm dừng) trong tìm hiểu để hiểu biết về thế giới tự nhiên (Physics, từ tiếng Hy Lạp cổ: φύσις có nghĩa là kiến thức về tự nhiên) mới mất ngày 14/3/2018 (thọ 76 tuổi).
Nếu Stephen Hawkin trong tác phẩm Lược sử thời gian (A Brief History of Time xuất bản năm 1988) đã từng viết rằng: “Thời gian sẽ trả lời tất cả (Only time (Whatever that may be) will tell)” thì 11 năm sau trong bài giảng “Gödel & sự kết thúc của vật lý” đã phát biểu rằng: Tôi lấy làm vui mừng rằng cuộc tìm kiếm của chúng ta đối với sự hiểu biết sẽ không bao giờ đi tới điểm kết thúc và rằng chúng ta sẽ luôn luôn có sự thách thức của khám phá mới.
Như vậy, sau 57 năm (kể từ năm 1959, bắt đầu chuyến khảo sát NAGA tới nay, năm 2016), chúng ta cùng nhìn lại để hiểu biết thêm các thay đổi của các yếu tố tự nhiên và môi trường trên vùng biển Nam Việt Nam là hết sức cần thiết, là một đoạn đường nhỏ trên con đường dài vô tận của tự nhiên.
Biển Đông là tên gọi riêng của Việt Nam để nói đến vùng biển nằm phía đông bán đảo Đông Dương, là biển rìa lục địa và là một phần của Thái Bình Dương, trải rộng từ Singapore, Malaysia tới eo biển Đài Loan; từ Việt Nam đến Philippines. Biển Đông bao phủ diện tích khoảng 3.350.000 km² với độ sâu trung bình 1.350 m, trong đó hơn 40,5 % diện tích của Biển Đông phân bố ở thềm lục địa có độ sâu nhỏ hơn 100 m. Đây là biển lớn thứ tư thế giới sau biển Philippines, biển San Hô và biển Ả Rập và là nơi chứa nhiều bí ẩn cho khoa học nhưng mang lại nguồn tài nguyên sinh vật và phi sinh vật vô cùng to lớn cho con người.
Biển Đông nằm trong vùng nội chí tuyến, trải dài từ Xích đạo đến chí tuyến Bắc, chịu ảnh hưởng của gió mùa với đặc tính nóng ẩm. Biển Đông là khu vực rất giàu tài nguyên khoáng sản và hải sản. Sinh vật trong vùng này rất đa dạng về thành phần loài và tiêu biểu cho vùng biển nhiệt đới. Chỉ hơn 1 triệu km2 vùng đặc quyền kinh tế ở Biển Đông của Việt Nam, trữ lượng cá biển được đánh giá khoảng 4,5-6,0 triệu tấn với tiềm năng có thể khai thác lên đến 1,2-1,4 triệu tấn hải sản (Quyết định số 1445/QĐ-TTg ngày 16 tháng 08 năm 2013 về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030).