Các loại bộ thông (Pinales) ở Tây Nguyên, Việt Nam - Đa dạng di truyền, thành phần hoá học và đề xuất giải pháp bảo tồn
Đinh Thị Phòng - Chủ biên, Nguyễn Tiến Hiệp, Nguyễn Sinh Khang, Trần Thị Việt Thanh, Trần Thị Liễu, Vũ Thị Thu Hiền, Trần Thị Phương Thảo, Trần Văn Lộc, Trịnh Thị Thủy, Nguyễn Thanh Tâm, Trần Văn Sung
Đa dạng sinh học (Biology diversity/Biodiversity) là thuật ngữ chỉ ra sự đa dạng của sự sống trên Trái đất, bao gồm thực vật, động vật và vi sinh vật. Tuy nhiên, đa dạng sinh học (ĐDSH) hiện đang bị mất ở mức chưa từng thấy do các hoạt động của con người làm suy giảm hoặc lấn chiếm môi trường sống, tăng ô nhiễm và góp phần vào biến đổi khí hậu. Công ước ĐDSH (Convention on Biological Diversity - CBD) đã và đang giải quyết vấn đề này. Việt Nam cũng đã ký kết tham gia Công ước ngày 16/11/1994. Công ước ràng buộc pháp lý nhằm tìm cách bảo tồn sự đa dạng của các dạng sống thông qua bảo tồn và sử dụng hợp lý nhằm góp phần vào mục tiêu tổng thể của phát triển bền vững.
Theo Công ước ĐDSH thì “ĐDSH” là sự phong phú của mọi cơ thể sống có từ tất cả các nguồn trong các hệ sinh thái (HST) trên cạn, ở biển và các HST dưới nước khác và mọi tổ hợp sinh thái mà chúng tạo nên. ĐDSH bao gồm sự đa dạng (i) trong loài (đa dạng di truyền hay còn gọi là đa dạng gen), (ii) giữa các loài (đa dạng loài) và (iii) các HST (đa dạng HST). Đa dạng di truyền được hiểu là tần số và sự đa dạng của các gen và bộ gen trong mỗi quần thể và giữa các quần thể với nhau; Đa dạng loài là tần số và sự phong phú về trạng thái của các loài khác nhau; Đa dạng HST là sự phong phú về trạng thái và tần số của các HST khác nhau. Từ ba góc độ này, người ta có thể tiếp cận với ĐDSH ở cả ba mức độ: mức độ phân tử (gen), mức độ cơ thể và mức độ HST (IUCN, 1994).