Biến đổi hoá học cao su thiên nhiên và ứng dụng
Lê Xuân Hiền
Thành phần chính của cao su thiên nhiên (CSTN) là cis - 1,4 -
polyisopren. Ngoài ra, trong CSTN thô có một lượng nhỏ các nhóm
không hydrocacbon phân bố không đều dọc theo mạch hydrocacbon và
là nguyên nhân của những biến đổi vật lý sâu sắc của vật liệu polyme
này. Ví dụ, mạch phân tử của CSTN có nhiều mạch nhánh dài. Các
điểm phân nhánh có thể được phát sinh từ các nhóm không
hydrocacbon này. Trong số các nhóm định chức “bất thường” được
phát hiện ở CSTN có các nhóm epoxy với hàm lượng 30-60 nhóm trên
mỗi mạch phân tử cao su. Ngoài ra, trên mỗi mạch phân tử cao su còn
có từ 10-30 nhóm amin, 3-4 nhóm lacton, 1-4 nhóm cacbonyl, 100-400
nhóm andehyt ngưng tụ. Các nhóm định chức bất thường này cũng là
các điểm khâu mạch dẫn đến việc hình thành phần có trọng lượng phân
tử rất cao, gọi là “pha gel” trong cao su. Các nhóm bất thường trên
mạch cao su gây ra các quá trình khâu mạch trong suốt thời gian dài
sau khi thu hoạch, khai thác, làm cứng cao su trong quá trình bảo quản.
Người ta cho rằng quá trình khâu mạch này được thực hiện bởi tương
tác của các amino axit hay protein với các nhóm epoxy [1].