Cuốn Putin - Logic quyền lực phát hành ở Việt Nam cuối tháng 11. Tác giả là Hubert Seipel - một nhà báo, nhà làm phim lão làng của Đức. Từ khi ra mắt, sách gây nên những tranh luận dữ dội trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Thậm chí, sách từng bị đồng nghiệp của Hubert Seipel xé bỏ. Nhưng, đến nay, ấn phẩm này vẫn được chuyển ngữ và phát hành ở nhiều quốc gia, riêng tại Đức, tái bản năm lần. Nhân dịp sách phát hành, VnExpress trích đăng vài kỳ.
Kỳ 1
Chúng tôi đợi trong phòng VIP của sân bay Vnukovo. Trên bức tường cẩn sơn mài xám là hàng chữ xanh lớn “Aeroflot - Hãng hàng không quốc tế Nga”. Trên tấm thảm màu be nâu là những chiếc xô pha màu xám khổng lồ, bọc da giả, ngồi trên đó là những người đàn ông giống nhau với độ tuổi không xác định với cặp táp và máy tính. Tổng thống lại trễ lần nữa.
Sau đó, khi đã ngồi vào máy bay, chúng tôi và Vladimir Putin bàn luận về Boris Abramovich Berezovsky. Người tự xưng là kẻ bảo hộ cho Vladimir Putin cuối cùng đã biến thành đối thủ không khoan nhượng của ông, và, lưu vong ở London, đã tiến hành cuộc vận động chống lại chủ nhân mới của điện Kremlin. Lý do cuộc trò chuyện hôm nay - cái chết bất ngờ của nhà tài phiệt. Chỉ vài ngày trước cuộc nói chuyện này, ngày 23/3/2013, cận vệ đã tìm thấy Berezovsky trong phòng tắm nhà ông ở Ascot, một vùng ngoại ô danh giá của London, không còn dấu hiệu của sự sống. Bên cạnh ông là chiếc khăn quàng. Nhà bệnh lý học không tìm thấy dấu hiệu của các hành động bạo lực. Nhận định của chuyên gia pháp chứng: nguyên nhân cái chết - ngạt thở. Có thể, nhà tài phiệt Nga đã tự tử - kết luận sơ bộ của cảnh sát tuyên bố.
Berezovsky 67 tuổi, cô đơn và bị phá sản. Ngôi nhà thuộc về vợ cũ của ông. Trong bài trả lời phỏng vấn cuối cùng trước khi chết, ông nói với nhà báo tạp chí Forbes: “Tôi đã đánh giá thấp việc nước Nga quý báu thế nào đối với tôi đến độ tôi không thể là kẻ lưu vong”. Và ông nói thêm: “Tôi đã đánh mất ý nghĩa cuộc sống. Giờ tôi không muốn làm chính trị nữa. Tôi không biết phải làm gì”.
Vladimir Putin ngả người ra lưng ghế, lấy tay vuốt tóc. Và ông nói, cuối năm 2012, Berezovsky đã viết cho ông một lá thư, được giao tận tay qua một trung gian vài tuần sau đó. Nội dung đại loại thế này: Berezovsky muốn trở lại Nga, giữ chức giáo sư và từ bỏ chính trị. “Ông ấy xin tôi thứ lỗi và viết là ông đã sai. Lúc nào đó, ông ta đã cố tiêu diệt tôi về mặt chính trị, và đã thua. Đó là một cuộc đối đầu khốc liệt!” - Tổng thống nói.
Liên quan đến yêu cầu chính đặt ra trong thư, Putin giải thích, trong những tuần cuối cùng qua, ông vẫn chưa đi tới quyết định nào. Dĩ nhiên, ông có khả năng ân xá cho Berezovsky, nhưng đó là một quá trình phức tạp bởi các phiên xử của tòa án vẫn chưa kết thúc. Theo lời Putin, trong khi các luật sư của Văn phòng Tổng thống vẫn còn đang kiểm tra xem bước đi này có thể dẫn tới những hậu quả nào thì cái tin choáng váng về vụ tự tử của Berezvosky đã đến.
Boris Berezovsky, nhà cựu “điều khiển rối” ở hậu trường điện Kremlin kỷ nguyên Yeltsin đã tích lũy tài sản bạc tỷ nhờ những mối quan hệ của mình, và sử dụng số tiền đó để củng cố quyền lực, từ lâu đã nuôi dưỡng trí tưởng tượng của những người cùng thời mình. Trên thực tế, không ai ở nước Nga biết ông ta có bao nhiêu tiền bởi nguồn gốc của mọi dữ liệu là chính ông, mà vấn đề kế toán chưa bao giờ là mặt mạnh của ông ta. Có lẽ, chính ông ta cũng không biết câu trả lời chính xác: ông chỉ biết là mình phải luôn có tiền và có lúc đã có rất nhiều tiền. Từ khi bỏ chạy sang Anh sau xung đột với Putin năm 2001, ông ta tập trung toàn bộ năng lượng của mình vào nỗ lực lật đổ lãnh đạo mới của nhà nước Nga. Ông không tha thứ cho mình lẫn Putin về việc đánh mất ảnh hưởng của bản thân. Những năm đó, ông thường nói: “Tôi tạo ra hắn ta được thì cũng sẽ tiêu diệt được hắn ta”.
Berezovsky quen với Vladimir Putin đầu thập niên 1990. Vì triển vọng mù mịt, cựu điệp viên đối ngoại vừa chuyển sang làm công chức nhà nước. Anatoli Sobchak, Thị trưởng Saint Petersburg, đề nghị ông một công việc triển vọng trong bộ máy hành chính thành phố. Putin sinh trưởng ở Saint Petersburg và học thành chuyên gia luật ở đó, còn Sobchak có lúc từng là giáo sư khoa luật cùng đại học và dạy Putin. Giờ đây, Putin nhận nhiệm vụ Phó thị trưởng phụ trách quan hệ đối ngoại và các vấn đề kinh tế.
Berezovsky đến Saint Petersburg vì công việc. Ông và Putin đơn giản chỉ quen biết chứ thật sự chẳng có liên hệ gì với nhau. Đối với doanh nhân Moskva, cuộc gặp này là một việc bình thường, một mối liên hệ nữa với giới chức địa phương mà có thể có lợi cho công việc. Một người quen nào đó đã hướng Berezovsky chú ý tới “người phó của Anatoli Aleksandrovich”. Tuy nhiên, Tổng thống tương lai và doanh nhân Berezoksky nằm ở những phạm trù định lượng khác nhau, và người thứ nhất rất xa người thứ hai.
Ở trường phổ thông, Putin học tiếng Đức, và ở đại học cũng vậy. Vladimir Vladimirovich là thí dụ của một sinh viên Xô viết bình thường. “Để đạt được thành công, tôi tập trung vào hai việc: thể thao và học tập. Và điều đó đã có hiệu quả”, ông kể về giai đoạn đó của cuộc đời. “Tôi quan tâm tới chính trị nhưng không thể khẳng định rằng vào tuổi 20, tôi đã cân nhắc sâu sắc những vấn đề chính trị. Khi đó, tôi không biết gì về những vụ trấn áp của Stalin liên quan tới KGB, hay về những người bất đồng chính kiến, như nhà vật lý Andrey Sakharov”.
Ước mơ của Putin đã thành sự thật. Sau kỳ thi quốc gia năm 1975, KGB chọn luật gia vào làm việc và huấn luyện ông cho bộ phận tình báo nước ngoài. Đầu tiên, ông phục vụ vài năm ở Saint Petersburg, sau đó được chuyển về Moskva và đưa đi đào tạo nâng cao ở Viện Andropov. Đây là học viện trực thuộc KGB, một trung tâm đào luyện giới tinh hoa của tổ chức. Cũng tương tự như West Point với người Mỹ. “Tôi không chọn chỗ làm. Tôi được phân công tới đó. Những ai có quen biết thì được gởi tới Bonn hay Vienna, bởi vì lương được trả bằng ngoại tệ ở nước cư trú”, ông giải thích vì sao ông được gởi tới Cộng hòa Dân chủ Đức (GDR). “Đơn vị của chúng tôi được gọi là ‘tình báo đối ngoại tại chỗ’ vì những việc nội bộ GDR đã có những chi nhánh khác phụ trách”. Nhiệm vụ của ông trong những năm ở đó - nằm ở Dresden, nhận thông tin từ các nước thành viên NATO, chẳng hạn như Tây Đức, và tuyển mộ người cấp tin. Đồng thời, ông cũng phân tích thông tin trên báo chí Đức.
Cho đến lúc chấm dứt thời hạn công tác của Putin ở nước ngoài thì thời gian của Cộng hòa Dân chủ Đức cũng dần cạn. Ở Mosvka, tình hình cũng thay đổi, và cùng với nó là hệ thống các mối liên hệ cá nhân. Ông từ nước ngoài trở về vào cao điểm của những biến động không đơn giản. Thêm vào đó, Ủy ban [An ninh Quốc gia, tức KGB] phải cắt giảm chỗ làm.
Putin không muốn về Moskva. Ông không đến trụ sở KGB, nơi ông được phân công việc làm mà về nhà ở Saint Petersburg. “Dĩ nhiên, tôi đã nghĩ ngợi xem phải làm gì tiếp theo. Tôi cần nuôi hai con và vợ. Cha mẹ tôi cũng sống ở đó và họ cũng đã ngoài 80. Nhưng nhờ học vấn dân sự mà tôi có chọn lựa khác. Bởi tôi học luật và là người nhà ở Petersburg”, ông nhớ lại nguyên nhân quyết định của mình khi đó.
Vladimir Putin trở về với đời sống dân sự. Bây giờ, trước mặt ông là nhiệm vụ thay đổi nền kinh tế bị phá hủy của thành phố. Ông tiến hành đàm phán với các công ty và doanh nhân nước ngoài - trong số đó có Boris Berezovsky - để giành đầu tư cho Saint Petersburg.
Vladimir Putin lục trong hộc bàn phòng làm việc của mình ở Novo-Ogaryevo, kéo ra một bìa hồ sơ cá nhân và chỉ bức thư từ KGB về việc cho Trung tá Vladimir Vladimirovich Putin thôi việc từ ngày 31/12/1991. “Nhưng như ông và các đồng nghiệp ông biết rõ, không có cựu nhân viên KGB”, ông mỉa mai chua thêm. “Ở đây chẳng giấy tờ nào có thể giúp tôi được cả”.
Thị trưởng Anatoli Sobchak đã tới Moskva để ủng hộ Yeltsin chống lại những người chính biến. Phó thị trưởng Vladimir Putin đã tổ chức một nhóm cận vệ để khi Sobchak trở về Saint Petersburg, họ đưa ông khỏi sân bay. Thế giới của Vladimir Vladimirovich Putin đã thay đổi một cách từ tốn, nhưng đúng hướng, cũng như thế giới của nhà toán học Boris Berezovsky. Thế nhưng, lúc đó chưa thể tiên đoán rằng chẳng bao lâu ở họ sẽ có thêm nhiều điểm chung.
Còn tiếp...
(Trích sách Putin - Logic quyền lực, dịch giả Phan Xuân Loan)