Lũ lụt miền Trung nguyên nhân và các giải pháp phòng tránh
Nguyễn Lập Dân, Nguyễn Thị Thảo Hương, Vũ Thị Thu Lan
Lũ lụt miền Trung đã trở thành tai biến tự nhiên, thường xuyên đe dọa cuộc sống của người dân trong vùng. Các lưu vực sông dải duyên hải miền Trung (từ Thanh Hóa đến Bình Thuận) có chiều dài 2000km đường bờ biển với tổng diện tích 95.520 km là nơi có địa hình chia cắt mạnh, lòng sông ngắn dốc, nằm trong vùng có chế độ khí hậu biến động phức tạp. Lũ lụt xảy ra do chịu sự tác động của các yếu tố nội sinh, ngoại sinh và ngày càng gia tăng do sự hoạt động kinh tế - xã hội của con người trên bề mặt lưu vực. Vào những năm cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI thiên tai lũ lụt đã liên tiếp xảy ra ở các lưu vực sông dải duyên hải miền Trung với qui mô và cường độ lớn. Đặc biệt các trận lũ lịch sử vào tháng XI và tháng XII năm 1999 đã cướp đi sinh mạng của hơn 600người, làm bị thương trên 1.000người, nhiều công trình dân sinh kinh tế, bị đổ sập, hư hỏng nặng, tổng thiệt hại ước tính gần 5.000tỷ đồng. Lũ lụt đã để lại hậu quả hết sức nặng nề, hàng ngàn hộ dân phải di dời khỏi các vùng sạt lở, ngập lụt, hệ sinh thái môi trường các vùng cửa sông ven biển bị hủy hoại nghiêm trọng.