Trong những năm 60 của thế kỷ XX, tuyến đường 9 và đường mòn Hồ Chí Minh qua địa phận tỉnh Quảng Trị trở thành chiến trường ác liệt. Thời điểm đó, trong sự đóng góp công sức chiến đấu của hàng nghìn, hàng vạn người trong cả nước, phải kể đến đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở Quảng Trị.
Bà con vừa trực tiếp tham gia chiến đấu, vừa làm nhiệm vụ hậu cần tại chỗ (sản xuất, khai thác nguồn tài nguyên thực vật sẵn có để cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh…), vừa vận chuyển khí tài, chữa trị vết thương, chữa trị chứng sốt rét và nhiều căn bệnh khác cho các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong nơi tuyến lửa.
Các cây thuốc, các bài thuốc cầm máu, trị viêm, nhiễm trùng, sốt rét, đau ốm... được đồng bào đúc kết, tích lũy qua nhiều đời đã phát huy tác dụng tích cực trong thời gian đó. Bởi vậy, có thể nói cây thuốc của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở miền núi nước ta nói chung, của các dân tộc Vân Kiều và Pa Kô tại miền Tây tỉnh Quảng Trị nói riêng là nguồn tri thức bản địa quý giá.
Góp phần chia sẻ, bảo tồn những cây thuốc quý đó cũng là một trong những lý do cuốn sách Cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị của các tác giả Ninh Khắc Bản (Chủ biên), Phan Văn Kiệm, Ninh Khắc Thanh Tùng ra đời.
Đây cũng là cuốn sách đầu tiên viết về cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô, có ý nghĩa khoa học và giá trị thực tiễn cao. Các thông tin trình bày trong nội dung của cuốn sách là những kết quả điều tra, nghiên cứu có tính hệ thống và chọn lọc về các điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội, các truyền thống văn hóa, các cây thuốc, bài thuốc dân tộc, cùng các phương thức chữa trị bệnh của cộng đồng các dân tộc Vân Kiều và Pa Kô ở tỉnh Quảng Trị.
Cuốn sách Cây thuốc của dân tộc Vân Kiều và dân tộc Pa Kô ở Quảng Trị của các tác giả Ninh Khắc Bản (Chủ biên), Phan Văn Kiệm, Ninh Khắc Thanh Tùng. Ảnh: Việt Linh.
Nội dung trọng tâm của cuốn sách là các thông tin cần thiết về 110 loài cây thuốc phổ biến của cộng đồng các dân tộc Vân Kiều và Pa Kô, ở 2 huyện Đắkrông và Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị.
Mỗi loài đều được trình bày một cách khá toàn diện, cụ thể, có tính hệ thống và chọn lọc về: Danh pháp (tên phổ thông, tên khoa học, các tên đồng nghĩa, các tên gọi khác, tên gọi của đồng bào dân tộc tại địa phương); phân bố (ở trong nước và trên thế giới); đặc điểm nhận dạng; sinh học, sinh thái; thành phần hóa học, hoạt tính sinh học; sử dụng làm thuốc nói chung và phương cách chữa trị với từng loại bệnh.
Những nội dung trình bày trong cuốn sách gồm nhiều dẫn liệu mới, nhiều thông tin mới, phong phú, mang tính hoàn chỉnh, tính hệ thống và tính chọn lọc về các mặt thực vật học, hóa học, hoạt tính sinh học của nguồn tài nguyên cây thuốc mà đồng bào các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô, ở tỉnh Quảng Trị đã tích lũy từ bao đời nay.
Đặc biệt, rất nhiều thông tin là những công dụng, những hợp chất hóa học, những hoạt tính sinh học có giá trị ứng dụng cao trong thực tiễn do chính các tác giả mới phát hiện. Các thông tin về kết quả phân tích hóa học, xác định các hợp chất hóa học, cũng như hoạt tính sinh học… sẽ góp phần quan trọng, trong việc lý giải, làm rõ tác dụng dược lý, tác dụng chữa trị bệnh của từng loại cây thuốc, trong y học dân tộc - vấn đề mang tính thời sự đang thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, trong lĩnh vực y dược học trên thế giới.
(Nguồn tin: Tạp chí Tri thức (https://znews.vn/nhung-cay-thuoc-quy-cua-dong-bao-dan-toc-thieu-so-o-quang-tri-post1449523.html))