Đi tìm phong cách thiết kế của Việt Nam
Cũng giống nhiều người làm công việc thiết kế, sáng tạo, mỹ thuật ứng dụng, khó khăn dai dẳng nhất của nhà thiết kế Trịnh Thu Trang là không tìm được kho tư liệu hoa văn số khi muốn đưa những họa tiết trang trí “thuần Việt” lên các sản phẩm của mình. Chị chia sẻ, mỗi lần tìm kiếm trên Google, hầu như không có hoa văn vector Việt, chỉ có một số ảnh chụp gần như không dùng được. Nếu tìm hoa văn châu Á thì kết quả trả về chủ yếu của họa tiết truyền thống Trung Quốc và Nhật Bản.
Họa sĩ Cù Minh Khôi (thành viên dự án Hoa Văn Đại Việt – dự án đã mã hóa được 250 hoa văn Việt cổ của các triều đại) cũng chia sẻ về những khó khăn này. Sự thiếu hụt nguồn hoa văn số khiến những nhà thiết kế trẻ, sinh viên mỹ thuật khó tạo ra được những sản phẩm thiết kế mang màu sắc, dấu ấn Việt. Vì kho tư liệu hoa văn vector, được mã hóa sẵn còn ít ỏi, nhiều nhà thiết kế khó phân biệt hoa văn Việt so với các nước châu Á khác, dễ dẫn đến việc dùng nhầm, dùng bừa hoa văn, họa tiết của nước khác để quảng bá văn hóa Việt.
Trăn trở với câu hỏi “Phong cách thiết kế của Việt Nam là gì?”, những bạn trẻ của nhóm S River do Trịnh Thu Trang dẫn đầu đã lội ngược dòng trở về với những giá trị văn hóa truyền thống để tìm câu trả lời. Qua thời gian 4-5 năm tìm hiểu miệt mài, nhóm nhận thấy tranh Hàng Trống gắn liền với đời sống người dân Việt Nam xưa kia, sẵn mang hơi thở, tinh thần của con người Việt nên nếu có thể, thì hãy đưa nó quay trở lại với đời sống người Việt. Thêm vào đó, nguy cơ mai một, thất truyền một dòng tranh quý của dân gian cũng là động lực thúc đẩy nhóm S River nghiên cứu, thực hiện dự án “Họa Sắc Việt”.

Bộ tranh Tố nữ của dòng tranh dân gian Hàng Trống

Dự án Họa Sắc Việt nhằm cung cấp kho tư liệu hoa văn, màu sắc từ tranh Hàng Trống đã được mã hóa
Họa Sắc Việt là tập hợp, mã hóa những hoa văn, màu sắc cổ từ tranh Hàng Trống, có tiềm năng ứng dụng vào cuộc sống hiện đại, vào công việc của những nhà thiết kế đồ họa, nhằm tạo ra thư viện hoa văn số, vừa giúp lưu giữ giá trị truyền thống, vừa tạo ra kho chất liệu phục vụ công việc của giới thiết kế. Đồng thời nhóm S River hy vọng Họa Sắc Việt sẽ tạo động lực, khuyến khích những người làm nghề thiết kế sáng tạo ra được những hoa văn đẹp, mang bản sắc Việt Nam.
Nguyễn Thị Thu Hằng (Thành viên nhóm S River) cho biết: “Chúng tôi không muốn giá trị truyền thống của tranh Hàng Trống sẽ biến mất, mà hy vọng giá trị ấy còn sống được trong sự phát triển của xã hội. Tranh Hàng Trống cần đi vào đời sống thực tế hơn, không chỉ dừng lại trong khuôn khổ của tranh treo tường mà có thể là một vật phẩm mang bản sắc văn hóa Việt. Không chỉ các nghệ nhân dân gian, mà mỗi người trong chúng ta đều có quyền tạo ra giá trị văn hóa. Việc mà chúng tôi đang làm là tiếp nối những giá trị văn hóa xưa trong những dạng thức mới”.
Hằng cũng chia sẻ về cách ứng dụng những hoa văn, màu sắc cổ “trích xuất” từ tranh Hàng Trống trong các sản phẩm thiết kế đương đại. Công việc ban đầu là xem tranh, nghiên cứu và lọc ra được một số cơ sở dữ liệu nhất định. Từ đó, bắt đầu tìm cảm hứng để thiết kế, mỗi người sẽ có những cảm xúc khác nhau về dữ liệu họa tiết mà mình thấy.

Thiết kế mẫu hộp mứt Tết từ hoa văn lấy từ tranh Hàng Trống
Ví dụ như khi tạo ra hộp mứt Tết, Hằng nghĩ về mùa xuân. Tiếp đó, Hằng nghiên cứu những tranh gốc vẽ về mùa xuân, tách thành các lớp dữ liệu khác nhau để dùng riêng hoặc kết hợp chúng thành tổ hợp họa tiết mới dựa trên những hoa văn cũ. Người thiết kế có thể giữ nguyên họa tiết gốc và chỉ biến đổi theo cách thức xoay, làm nghiêng hoặc biến đổi họa tiết gốc cho phù hợp với nhu cầu sử dụng. “Trong hộp mứt Tết này, họa tiết gốc gần như không biến đổi nhiều, chỉ là sự cắt ghép từ các họa tiết gốc khác và thay đổi màu sắc, góc nhìn để tạo ra hiệu ứng khác” – Hằng nói.
Tiềm năng ứng dụng tranh Hàng Trống vào thiết kế đồ họa
Trịnh Thu Trang (trưởng nhóm S River) chia sẻ, dưới góc nhìn của người thiết kế, chị nhận ra tiềm năng ứng dụng rất lớn vào thiết kế đồ họa của tranh Hàng Trống nói riêng (và mỹ thuật dân gian Việt Nam nói chung) qua việc sưu tầm, phân tích, hệ thống thành một nguồn họa tiết và màu sắc phong phú dành cho giới thiết kế và mỹ thuật. Trang tiếp cận tranh Hàng Trống dựa trên khía cạnh thẩm mỹ, hoàn toàn mang tính chất trang trí. “Khi tách khỏi tranh thì họa tiết không còn bối cảnh, ý nghĩa của nó nữa mà sẽ trở thành hoa văn trang trí thẩm mỹ. Việc sử dụng hoa văn để làm tăng tính thẩm mỹ, trang trí cho các sản phẩm thiết kế sẽ mang nghệ thuật truyền thống đến với mọi người ở mọi lứa tuổi và ngành nghề” – Trang bày tỏ.
Chị cũng nói thêm, từ dự án số hóa những họa tiết, bảng màu tiêu biểu của dòng tranh Hàng Trống để sáng tạo thành thiết kế đồ họa đương đại mang yếu tố văn hóa truyền thống Việt Nam, chị hy vọng có thể truyền cảm hứng cho người trẻ để họ có thể bắt đầu một dự án cá nhân có liên quan hoặc được lấy cảm hứng từ mỹ thuật dân gian Việt Nam – một kho tàng tư liệu văn hóa đồ sộ, quý giá và đáng trân trọng.

Nhà nghiên cứu dân gian Phan Ngọc Khuê chia sẻ về giá trị tranh Hàng Trống
Theo nhà nghiên cứu, họa sĩ Phan Ngọc Khuê, tranh Hàng Trống mang nhiều giá trị tư tưởng, văn hóa và thẩm mỹ. Đây là dòng tranh ít ỏi dành cho bậc sĩ phu, trí thức và chỉ họ mới có thể tường tận, thấu hiểu hết các tầng nghĩa trong tranh Hàng Trống. Về cách in ấn, kỹ thuật vẽ thì tranh Hàng Trống cũng ở hàng đỉnh cao. Màu sắc dùng trong tranh Hàng Trống là màu phẩm trong suốt, có thể nhìn thấy xuống tận dưới chứ không phải “màu chết”, không thấu quang như trong tranh Đông Hồ. “Trong tranh Hàng Trống còn có thủ pháp nghệ thuật, ngoài chuyện bôi màu đơn thuần còn có tản màu để làm tranh dày lên, nổi khối đậm - nhạt, giúp tranh sinh động hơn” – ông nói.
Thấu hiểu và yêu truyền thống, muốn lan truyền, quảng bá những giá trị văn hóa đẹp tới cộng đồng, Họa Sắc Việt mang mục tiêu đem chính các sản phẩm đồ họa lấy cảm hứng từ dòng tranh Hàng Trống tiếp cận đông đảo công chúng. Các dữ liệu sẽ được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ.

Nhóm S River đã dùng những họa tiết trong bức “Canh nông vi bản” của tranh Hàng Trống để đưa lên bao bì của sản phẩm bánh gạo vị Việt

Một số sản phẩm thử nghiệm về việc ứng dụng kho hoa văn số vào đời sống
“Tôi mong muốn giá trị thẩm mỹ, yếu tố tinh thần của tranh Hàng Trống sẽ đi vào đời sống của người dân và có sức sống, tính cuốn hút của riêng mình. Và trong thời đại của công nghiệp và công nghệ số, tranh dân gian cần được biến đổi sang dạng thức phù hợp để có thể phát triển, thích nghi với cuộc sống hiện tại.
Mỗi người chúng ta như một giọt nước, nhiều giọt nước cùng bên nhau và đi về một hướng sẽ tạo thành một dòng chảy. Nếu như chúng ta cảm thấy lĩnh vực nào của Việt Nam chưa sánh được với quốc tế, ta hãy đi tìm xem mình có bỏ sót điều gì không? Nếu thực sự không có gì như ta mong đợi thì chúng ta hãy bắt đầu khơi dòng và khởi tạo. Đó là tinh thần của S River, và cũng là điều chúng tôi muốn gửi tới các bạn trẻ” – chị Trang cho biết.
(Nguồn tin: Thu Thủy - http://songmoi.vn/tranh-hang-trong-duoc-bao-ton-bang-thu-vien-hoa-tiet-so-hoa-79816.html)